Hôm 22.5, ông John Kerry đã cuộc gặp gỡ cấp cao đầu tiên với bà Aung San Suu Kyi kể từ lúc Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà chính thức nắm quyền từ tháng 3.2016. Ngoại trưởng Mỹ đánh giá cao quá trình chuyển đổi dân chủ ở Myanmar và cho rằng đó là một “lời tuyên bố đáng chú ý” cho sự thúc đẩy dân chủ toàn cầu.
“Thông điệp của tôi hôm nay là rất, rất đơn giản: Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ quá trình chuyển đổi dân chủ đang diễn ra tại đây”, AFP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Kerry.
Trong khi hoan nghênh chiến thắng của đảng NLD bên phía bà Aung San Suu Kyi và cho rằng chính phủ mới của Tổng thống Htin Kyaw “đã thực hiện những điều phi thường”, ông Kerry vẫn lưu ý rằng Myanmar vẫn còn chưa hoàn toàn thoát ra khỏi những gì chế độ do quân đội nắm quyền để lại hơn 50 năm.
Mỹ cho rằng chế độ quân đội ở Myanmar là độc tài và dẫn tới lệnh cấm vận. Tuần trước, Washington đã tháo gỡ hàng loạt lệnh cấm vận tài chính, thương mại đối với Myanmar, nhưng vẫn giữ lại nhiều doanh nghiệp, tổ chức liên quan tới chính quyền cũ của nước này trong danh sách đen.
tin liên quan
Vì sao Mỹ dỡ bỏ một phần cấm vận kinh tế với Myanmar?Ngoài ra, phía Mỹ vẫn còn lưu ý một số vấn đề về dân tộc, tôn giáo còn tồn đọng ở Myanmar, điển hình là cộng đồng người Rohingya, một bộ phận người theo đạo Hồi xuất phát từ Bangladesh và chưa thể hòa nhập với đất nước Phật giáo chiếm đa số như Myanmar.
Hơn 100.000 người Rohingya lâm vào cuộc sống khó khăn ở các trại tị nạn sau cuộc xung đột sắc tộc năm 2012. Khoảng 1,1 triệu người Rohingya ở Myanmar không có quyền công dân. Ông Kerry cũng bày tỏ mong muốn rằng bà San Suu Kyi, một người từng được trao giải Nobel Hòa bình, sẽ giải quyết vấn đề này theo hướng tôn trọng nhân quyền nhất.
Thừa nhận đây là vấn đề nhạy cảm, bà Aung San Suu Kyi nói rằng chính phủ Myanmar cần thêm “không gian” để giải quyết khó khăn của cộng đồng Rohingya.
Bình luận (0)