Ngoại trưởng Mỹ - Singapore nhấn mạnh luật quốc tế tại Biển Đông

04/08/2020 10:09 GMT+7

Mỹ và Singapore bày tỏ mong muốn duy trì luật pháp quốc tế tại Biển Đông và thúc đẩy ổn định, thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ngày 4.8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan về vấn đề Biển Đông.
Theo thông cáo trên website Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Pompeo nhắc lại sự ủng hộ của Mỹ dành cho các nước Đông Nam Á trong việc giữ gìn quyền chủ quyền và lợi ích theo luật quốc tế tại Biển Đông.
Hai Ngoại trưởng nhất trí làm việc cùng nhau nhằm đảm bảo hòa bình tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh Mỹ phản đối những hành động cưỡng ép của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các yêu sách biển bất hợp pháp tại Biển Đông.

Xem các yêu sách biển của Trung Quốc là "phi pháp", Mỹ chính thức bác bỏ "đường lưỡi bò" trên Biển Đông

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 14.7 chính thức công bố lập trường của Mỹ về các yêu sách biển ở Biển Đông. Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh yêu sách của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông cũng như chiến dịch bắt nạt của nước này để kiểm soát các nguồn tài nguyên là hoàn toàn phi pháp.
Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh Trung Quốc không có căn cứ pháp lý nào để đơn phương áp đặt ý chí của họ lên khu vực. "Bắc Kinh đã không đưa ra cơ sở pháp lý rõ ràng nào cho yêu sách “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) ở Biển Đông kể từ họ khi chính thức công bố yêu sách này vào năm 2009”, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố.
Ông Pompeo nhắc lại rằng phán quyết ngày 12.7.2016 của Tòa trọng tài quốc tế cũng đã bác bỏ các yêu sách biển của Trung Quốc vì không có căn cứ dựa trên luật pháp quốc tế. Ông nhấn mạnh Mỹ từng tuyên bố phán quyết đó là cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý đối với Trung Quốc lẫn Philippines.
Ngoài ra, Mỹ còn bác bỏ bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc đối với các vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo mà Trung Quốc đưa ra yêu sách tại quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.