Ngoại trưởng Trung Quốc ngụy biện, nói quân sự hóa Biển Đông là 'tự vệ'

06/08/2018 13:30 GMT+7

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị viện cớ “sức ép từ bên ngoài khu vực” để biện minh cho hành động quân sự hóa phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.

“Một số nước ngoài khu vực, chủ yếu là Mỹ, đã điều một lượng lớn khí tài chiến lược vào khu vực, đặc biệt là Biển Đông để phô trương sức mạnh quân sự và gây sức ép lên các nước trong khu vực, gồm Trung Quốc”, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố tại một cuộc họp báo ở Singapore cuối tuần qua, theo tờ The Straits Times.
Ông Vương còn viện cớ này để cho rằng hoạt động quân sự hóa phi pháp mà Trung Quốc cấp tập tiến hành trong những năm gần đây tại Biển Đông chỉ nhằm “tự vệ”.
Tuy nhiên, lời biện minh trên mâu thuẫn với những động thái thực tế của nước này. Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động quân sự hóa tại các thực thể mà nước này chiếm đóng trái phép ở Biển Đông những năm qua, bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế.
Trong nửa đầu năm nay, Bắc Kinh đã ngang ngược đưa máy bay ném bom đến Hoàng Sa, đồng thời triển khai tên lửa và thiết bị gây nhiễu sóng ở Trường Sa.
Hồi tháng 5, Đài CNBC dẫn báo cáo của giới tình báo Mỹ cho thấy Trung Quốc đã triển khai tên lửa hành trình diệt hạm YJ-12B và hệ thống tên lửa đối không HQ-9B trên ba bãi đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi. Cả 3 bãi đá tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đều bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và bồi đắp thành đảo nhân tạo.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng sau đó khẳng định Việt Nam hết sức quan ngại trước thông tin Trung Quốc ngang nhiên bố trí tên lửa ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, và yêu cầu rút các trang thiết bị quân sự khỏi khu vực.
Dù vậy, đến tháng 6, tờ Washington Free Beacon dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay Trung Quốc vẫn tiếp tục đưa trang thiết bị quân sự đến quần đảo Trường Sa.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 (AMM-51) khai mạc ngày 2.8 tại Singapore, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ quan ngại về những hoạt động gần đây trên thực địa, trong đó có việc quân sự hóa Biển Đông ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh ở khu vực cũng như sự tin cậy giữa các nước.
Bộ trưởng đề nghị các bên kiềm chế, không có các hoạt động làm phức tạp tình hình, tuân thủ các nguyên tắc và cam kết đã thỏa thuận, trong đó có nghĩa vụ quy định trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), duy trì môi trường thuận lợi cho tiến trình thương lượng Bộ quy tắc ứng xử (COC).
Cũng trong thời gian qua, Mỹ liên tục thách thức các yêu sách chủ quyền sai trái của Trung Quốc bằng việc đưa tàu chiến đến gần các đảo, đá mà nước chiếm đóng trái phép, chỉ trích Bắc Kinh trong các phát biểu công khai.
Mới đây, quốc hội Mỹ cũng đã thông qua dự luật về ngân sách quốc phòng có nội dung được cho là cứng rắn nhất với Trung Quốc từ trước đến nay. Theo đó, đạo luật cấm Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) thường niên, trừ phi Bắc Kinh ngưng hoạt động quân sự hóa phi pháp ở Biển Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.