Ngày ấy, kinh tế không khá như bây giờ. Nên mọi thứ đều được tính toán chi li và ai cũng phải tằn tiện. Nhưng để cho nhà có tết với người ta thì cũng phải lo cho tươm tất. Những món ăn cho ngày đầu năm đều được bà tự tay làm cả. Mà hồi đó, ngoài bánh tét, thịt kho, dưa món để cúng gia tiên, bà còn gói bánh mứt để chưng lên bàn thờ cho có màu sắc.
Cứ độ qua rằm tháng chạp là bà bắt đầu gói bánh. Căn bếp bỗng rộn ràng và niềm vui tết cũng vào độ chín nhất. Để gói được bánh, bà ngoại phải để dành nếp từ hồi tháng 3. Thứ nếp ngự Sa Huỳnh hạt tròn mây mẩy và đồ xôi, làm bánh thì món nào cũng mang lại hương vị đặc trưng.
Để làm được món bánh mứt, bà ngoại phải mang nếp đi rang. Những ngày cuối năm, trời lất phất mưa phùn. Những hơi thở cuối cùng của mùa đông phả vào không gian khiến đất trời se lạnh. Trời chưa tản, bà đã dậy nhóm bếp. Hương xuân về theo mùi khói bếp.
Không khí chộn rộn của những ngày xuân làm đứa trẻ như tôi cũng thức khuya dậy sớm cùng bà. Tôi thường bám theo bà nên từng công đoạn làm bánh đều nhớ rõ. Bà bắc trã lên rang nếp. Tôi nhớ ngoại thường chẻ tre thành những thanh nhỏ như que xiên thịt nướng, bó lại rồi lấy bó tre ấy đảo nếp.
Lửa luyện vàng cháy từng hạt nếp trắng nõn nà. Mùi nếp thơm thơm quyện vào khói bếp rồi phả vào trong hơi xuân. Ngồi bên hơi ấm bếp lửa, tôi nghe lòng nôn nao đến lạ.
Ngó thấy nếp đã vàng thơm, ngoại trút ra rồi mang đi xay thành bột. Ngày chưa có máy xay bột khô, bà phải xay bằng cối đá. Từng vòng xoay kéo theo từng tiếng lạch cạch cứ thế quay đều quay đều… Xong xuôi, bà cho bột nằm phơi một đêm dưới sương cho dịu.
Tờ mờ sáng hôm sau, khi vài tiếng gà vang vào không gian và mặt trời còn chưa kịp vươn vai, bà đã làm xong nhân bánh rồi sửa soạn khuôn lò để đóng bánh. Nhân bánh đơn giản chỉ có đậu phụng với mè sên cùng đường phèn, đường cát, nước cốt gừng. Từng hương vị quấn lấy nhau rồi hòa vào nhau làm gian bếp sực nức mùi thơm. Ngoại cứ đảo thoăn thoắt để nhân không bị sít, rồi bà nhấc xuống.
Vui nhất là đoạn đóng bánh. Khi ấy, mọi người sẽ quây quần bên chiếc nia mà bà đã dàn lên đó đủ thứ nguyên liệu, vật liệu làm bánh. Một chiếc khuôn bằng gỗ đã xỉn màu, một xấp giấy ngũ sắc bắt mắt, rồi thì nhân, rồi thì bột, mọi thứ được bày biện trên chiếc nia, và mọi người ngồi vòng quanh chiếc nia ấy. Người lớn đóng bánh, trẻ con ngồi xem với một vẻ say sưa và đầy mong đợi.
Đóng bánh xong xuôi, bà sẽ mang bánh đi sấy trên bếp than cho bánh cứng. Sấy xong xuôi, bánh sẽ được bà phong lại bằng những tờ giấy ngũ sắc. Những chiếc bánh hình chữ nhật tựa bao thuốc lá, tựa như viên gạch thẻ thu nhỏ được bà gói lại một cách tỉ mỉ.
Hồi nhỏ, tôi hay tò mò đủ chuyện. Nhất là cái vụ bánh mứt. Vì trẻ con, đứa nào nghe tới tết đều khoái, vì sẽ được ăn bánh kẹo thỏa thích. Tôi hơi hẫng đi vì bánh mứt hay bánh táp lô, là một loại bánh chứ không phải là bánh và mứt. Tôi hỏi bà vì sao lại gói bánh bằng 5 màu giấy và được bà truyền thêm một kiến thức về văn hóa. Năm màu là tượng trưng cho ngũ hành và ngũ phương, là nguyên tắc tồn vong của vạn vật.
Bao giờ cũng thế, trước 23 tết là vài chục chiếc bánh mứt đã được đóng xong xuôi. 23 kịp cúng ông Táo rồi cúng tất niên và cúng giao thừa. Sáng mùng 1 tết, năm màu bánh in đã được xếp thành 2 chồng cao đối xứng. Mỗi chồng đều được bà cẩn thận xếp xoay tròn và so le, ban thờ cũng thêm tươm tất với hai cỗ bánh mứt được chưng lên cẩn thận.
Số dôi ra sau khi đã chưng, bà để dành đãi khách. Hồi đó, tôi không thích bánh mứt mấy. Nhưng ăn một miếng rồi lại muốn ăn miếng thứ hai, thứ ba… Vì cái hương vị ngọt ngào giòn tan của thức quà quê giản dị ấy.
Cứ thế thời gian trôi đi chóng vánh. Bánh mứt dần đi vào quên lãng khi bà tôi tuổi cao sức yếu và lặng lẽ về trời. Còn đám con cháu thì chăm chăm vào những mẫu mã bánh kẹo mới. Trên ban thờ ngày tết vắng mặt những vuông bánh mứt…
Chiều nay, xuân về trên muôn sắc hoa. Và những giọt mưa xuân đọng trên những nhành hoa vừa hé nở, mưa lùn phùn theo cái lạnh sắt se. Bất chợt tôi nhớ hơi ấm bếp lửa ngày xuân, và bâng khuâng nhớ kỷ niệm xưa với người bà thân thương. Tôi rưng rưng. Giọt mưa nào đọng trên mi mắt, rồi nhỏ xuống miệng tôi mặn chát, làm lòng tôi càng thêm nhớ nhung hương vị ngọt ngào của chiếc bánh mứt, dư vị tuổi thơ tôi…
Bình luận (0)