Ngọc Trinh thả 2 tay lái mô tô: Luật quy định sao về dạy lái xe?

15/10/2023 03:57 GMT+7

Nếu người học lái mô tô, ô tô gây tai nạn thì người dạy lái xe cũng phải chịu trách nhiệm, tùy theo tính chất của vụ việc và hậu quả xảy ra thực tế.

Như Thanh Niên thông tin, vừa qua người mẫu Trần Thị Ngọc Trinh (tên thường gọi là Ngọc Trinh, 34 tuổi) học lái mô tô phân phối lớn, khi chạy thì thả 2 tay, ngồi 1 bên, đứng lên… gây bất bình dư luận những ngày qua tại TP.HCM. Sau đó, công an đã phải làm việc với Ngọc Trinh và những người liên quan.

Vậy pháp luật quy định sao về việc dạy lái mô tô có phân phối lớn và học lái ô tô? Nếu học viên gây ra tai nạn thì học viên hay người dạy lái có phải chịu trách nhiệm hành chính, hình sự?

Quy định về dạy lái mô tô

Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Trần Văn Giới, Đoàn luật sư TP.HCM chia sẻ, theo quy định tại điều 12 và điều 15 Thông tư 12 năm 2017 của Bộ Giao thông vận tải, thì chương trình đào tạo lái mô tô 2 bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên (hạng A2) chỉ được dạy thực hành trên sân tập lái, mà không có phần dạy lái thực hành trên đường giao thông.

Nếu trung tâm đào tạo lái xe mà vi phạm quy định trên thì có thể bị xử phạt hành chính từ 10 - 15 triệu đồng, đối với hành vi "Cơ sở đào tạo lái xe đào tạo không đúng nội dung, chương trình, giáo trình theo quy định" (điều 37 Nghị định 100 năm 2019 được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123 năm 2021 của Chính phủ).

Từ vụ Ngọc Trinh thả 2 tay chạy xe: Luật quy định sao về dạy lái xe? - Ảnh 1.

Đối với mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên (hạng A2) chỉ được dạy thực hành trên sân tập lái

CHỤP MÀN HÌNH

Trường hợp nếu chỉ là hoạt động dạy lái xe tự phát, thì các quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm về đào tạo lái xe sẽ không được áp dụng. Khi đó tùy vào mức độ và tính chất của hành vi vi phạm mà cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng các quy định pháp luật tương ứng để xử lý.

Đối với người điều khiển là mô tô 2 bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, khi tham gia giao thông mà không có giấy phép lái xe sẽ bị xử phạt từ 4 - 5 triệu đồng (điều 21 Nghị định 100, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123).

Theo luật sư Giới, chủ phương tiện sẽ bị xử phạt từ 800.000 - 2 triệu đồng về hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông như không có bằng lái… (điều 30 Nghị định 100).

Ngoài ra, nếu trong quá trình luyện tập tự phát, người điều khiển xe gây tai nạn dẫn đến thiệt hại cho người khác, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" (điều 260 bộ luật Hình sự).

Đồng thời, chủ phương tiện giao xe, hoặc người dạy lái giao xe cho người chưa có bằng lái tham gia giao thông, cũng có thể bị truy tố về tội "giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" (điều 264 bộ luật Hình sự).

Xem nhanh 20h ngày 19.10: Vì sao Ngọc Trinh bị bắt? | Lật tẩy chiêu trò ‘né vé’ của xe khách

Quy định về dạy lái ô tô

Theo thạc sĩ Võ Nguyễn Nam Trung (Khoa luật, Trường đại học Mở TP.HCM), xe tập lái dùng để đào tạo lái xe ô tô, được gắn biển "TẬP LÁI" trước và sau xe theo mẫu quy định của Nghị định 65 năm 2016 sửa đổi.

Cũng theo thạc sĩ Nam Trung, xe tập lái thuộc quyền sử dụng hợp pháp của cơ sở đào tạo lái xe, và phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép. Xe tập lái chỉ được đi trên các tuyến đường được ghi cụ thể trong giấy phép xe tập lái.

Trong quá trình tập lái, học viên không nhường đường cho xe ưu tiên, thì giáo viên đang dạy sẽ bị phạt từ 6 - 8 triệu đồng (điều 5 Nghị định 100 năm 2019 sửa đổi).

Từ vụ Ngọc Trinh thả 2 tay chạy xe: Luật quy định sao về dạy lái xe? - Ảnh 2.

Nếu học viên đi vào đường cấm thì thầy dạy lái sẽ bị xử phạt

V.P

Luật sư Trần Văn Giới chia sẻ thêm, khi học viên điều khiển xe tập lái đi vào khu vực cấm, hoặc đường có biển báo hiệu cấm đi, thì giáo viên sẽ bị xử phạt từ 2 - 3 triệu đồng (điều 5 Nghị định 100). Còn nếu chạy vào khu vực dân cư, giáo viên sẽ bị phạt từ 600.000 - 800.000 đồng về hành vi chạy sai tuyến đường trong giấy phép xe tập lái (điều 37 Nghị định 100).

Nếu trường hợp xe tập lái gây ra tai nạn giao thông với hậu quả chết người xảy ra, thì giáo viên cũng không tránh khỏi trách nhiệm. Việc xem xét trách nhiệm pháp lý trong trường hợp này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Trường hợp xe tập lái gây tai nạn, khi trên xe không có giáo viên dạy thực hành bảo trợ tay lái cho học viên, thì học viên gây tai nạn sẽ bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo quy định tại điều 260 bộ luật Hình sự. Còn giáo viên dạy thực hành giao xe cho học viên, sẽ bị truy tố về tội "Giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông đường bộ" theo điều 264 bộ luật Hình sự.

Trường hợp trên xe có cả học viên và giáo viên dạy thực hành bảo trợ tay lái, thì trách nhiệm thuộc về giáo viên. Khi đó, người dạy lái xe sẽ bị xem xét về hành vi vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính được quy định tại điều 129 bộ luật Hình sự.

Trường hợp xe tập lái gây tai nạn dẫn đến hậu quả chết người thì trung tâm đào tạo lái xe nơi giáo viên dạy thực hành làm việc phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại trước. Sau đó, trung tâm được quyền yêu cầu giáo viên dạy thực hành hoàn trả một phần hoặc toàn bộ khoản tiền này nếu xác định được giáo viên dạy thực hành có lỗi dẫn đến tai nạn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.