(iHay) Ngôi đền trắng hay chùa Rong Khun do kiến trúc sư người địa phương Chalemchai Kositpipat xây dựng vào những năm cuối thế kỷ 20 vô cùng kỳ lạ. Chính điểm dị biệt này khiến Wat Rong Khun trở thành biểu tượng của tỉnh Chaing Rai (Thái Lan).
Ngôi chùa Rong Khun có màu sơn trắng toát tạo nên sự khác biệt với các ngôi chùa ở Thái Lan
|
Những bông hoa rừng đua nhau nở rộ ven theo cung đường đi từ thành phố Chaing Mai đến Chaing Rai (Thái Lan). Từ bến xe trung tâm Chaing Rai nằm cạnh khu chợ đêm, tôi bắt chuyến xe buýt ở làn xe số 10 với giá 20bath để đi đến ngôi đền trắng nằm cách trung tâm khoảng 25km.
Một lần phát biểu trước báo giới, kiến trúc sư Chalemchai Kositpipat cho rằng: “Du khách khi nghĩ đến Ấn Độ thường nhớ đến Taj Mahal, nghĩ về Trung Quốc họ lại nhớ đến Vạn Lý Trường Thành… Khi nghĩ về Thái Lan họ lại nhớ đến các ngôi chùa vàng, nhưng gần như các ngôi chùa Thái Lan lại na ná như nhau. Chính vì thế, ông muốn tạo ra một ngôi chùa mang dấu ấn riêng của ông và cho đất nước Thái Lan”.
Nếu nhìn một cách tổng quan từ xa, chùa Rong Khun được xây dựng trên nguyên lý Phật Giáo đã thấm đẫm vào tâm hồn của người Thái. Những cảnh quan mang đậm kiến trúc Thái nối kết nhau tạo nên bức tranh về địa ngục – trần gian và thiên đàng trong kinh Phật.
Giữa hàng ngàn mái chùa màu vàng, Rong Khun được điểm tô màu trắng toát từ sàn cho đến nóc nổi bật giữa nền trời xanh thẳm khiến du khách nhớ mãi không quên. Chùa còn mang đến cho du khách cảm giác sợ hãi khi nhìn thấy những chiếc đầu lâu, những cánh tay gớm ghiếc… được trang trí xung quanh chùa, biểu tượng gợi nhớ về sự tang thương, chết chóc.
Bắt đầu từ địa ngục với những linh hồn chưa được siêu thoát, mà biểu tượng của nó chính là những cánh tay gớm ghiếc hay những chiếc đầu lâu, con người sẽ được luân hồi trở lại trần thế nếu làm được những điều thiện từ kiếp trước. Đi qua chiếc cầu luân hồi, con người sẽ đến trần thế, nơi được gọi là cõi tạm của mình.
Rồi hồn người sẽ bước tiếp vào chiếc cầu được gọi là “cổng thiên đường” được trấn giữ bởi thần chết và thần Rahu. Rất nhiều hình ảnh đức Phật được đặt dọc theo thân cầu với ý nghĩa soi rọi hào quang để dẫn dắt chúng sinh lên cõi thiên đàng, nơi đó chỉ có những tâm hồn thánh thiện. Một vài biểu tượng khác được đặt dọc theo thân cầu như tên lửa, những cuộc khủng bố … mang ý nghĩa loài người phải gánh chịu quá nhiều khổ đau giữa trần thế.
Ở cuối cổng thiên đường là ngôi đền trung tâm, nơi được gọi tòa nhà vàng, tượng trưng cho thiên đàng, nơi hạnh phúc, bình yên.
Dẫu ngôi chùa có màu trắng, là sự phá cách trong thiết kế nhưng bên trong trung tâm chùa vẫn giữ được nét đặc sắc trong thiết kế chùa chiền truyền thống. Ngôi đền trung tâm được phủ nhũ vàng, tượng phật dát vàng… Sự phá cách vẫn dựa trên nền tảng của các giá trị truyền thống.
Dọc theo cổng thiên đàng có rất nhiều tượng Phật với ý nghĩa soi rọi và dẫn dắt chúng sinh lên cõi thiên đàng
|
Những đầu lâu ở hầm địa ngục
|
Du khách đang đi trên cầu luân hồi để đến cổng thiên đàng
|
Những cánh tay ở hầm địa ngục
|
Một góc khác về chùa Rong Khun.
|
Bình luận (0)