Ngôi làng của người trẻ giữa đại ngàn

03/05/2023 06:00 GMT+7

Nằm cạnh dãy Trường Sơn Đông, Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua (H.Sơn Tây, Quảng Ngãi) gồm những cặp vợ chồng trẻ đang miệt mài lao động, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc trên vùng đất mới.

Đến làng ‘Thanh niên khởi nghiệp' của những người trẻ giữa chốn núi rừng

Trong một lần đi dọc theo đường Trường Sơn Đông vào xã Sơn Bua (H.Sơn Tây), chúng tôi được nghe kể về ngôi làng toàn người trẻ chuyển đến ở và lập nghiệp. Ở đó có cơ sở hạ tầng tốt, không khí mát mẻ, nhà cửa khang trang, thanh niên ai cũng cố gắng làm ăn, đoàn kết giúp lẫn đỡ nhau khi gặp khó khăn.

XÂY HẠNH PHÚC Ở VÙNG ĐẤT MỚI

Vào làng, chúng tôi bắt gặp anh Đỗ Minh Vương (36 tuổi, quê ở xã Tịnh Thọ, H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), người đã có hơn 10 năm sinh sống và làm việc tại xã Sơn Bua. Năm 2019, khi Tỉnh đoàn Quảng Ngãi triển khai dự án Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua, vợ chồng anh Vương tiên phong đăng ký vào ở trong làng.

Ngôi làng của người trẻ giữa đại ngàn  - Ảnh 1.

Làng thanh niên lập nghiệp giữa đại ngàn

Trí Tín

Khởi đầu, gia đình anh Vương được Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cấp 1.200 m2 đất, trong đó có 300 m2 đất ở. Đồng thời, gia đình anh còn được hỗ trợ 20 triệu đồng xây nhà, cấp 1 con bò, 20 con gà, 3 con heo và các giống cây ăn quả... Đến nay, vườn nhà anh Vương có nhiều loại cây ăn quả khác nhau. Vợ chồng anh còn nuôi 200 cặp chim bồ câu Pháp, đem lại thu nhập khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng sau khi đã trừ hết chi phí.

Anh Vương cho biết, khi mới vào làng sinh sống, các gia đình gặp nhiều khó khăn do đây là vùng đất mới, chưa quen khí hậu, thổ nhưỡng... Về sau, các gia đình trẻ trong làng đã làm quen được với khí hậu, thời tiết nên việc chăn nuôi và trồng trọt dần dần phát triển và ổn định.

"Ngoài thời gian công tác ở UBND xã Sơn Bua, tôi tranh thủ về nhà để chăm sóc vườn cây ăn quả và đàn chim bồ câu để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Hiện, ổi và chim bồ câu của gia đình tôi không đủ cung cấp cho người mua. Thời gian tới, vợ chồng tôi dự định sẽ trồng thêm cây ăn quả và nhân đàn chim bồ câu lên để đáp ứng nhu cầu của khách hàng", anh Vương nói.

Theo anh Vương, hiện Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua có nhiều hộ làm kinh tế rất tốt, đã áp dụng khoa học kỹ thuật để giảm tải sức người và làm tăng chất lượng, sản lượng của cây trồng và vật nuôi.

Ngôi làng của người trẻ giữa đại ngàn  - Ảnh 2.

Vườn ổi nhà anh Vương được đầu tư hệ thống tưới nước tự động

Hải Phong

Chị Nguyễn Thị Thu Sang (37 tuổi, quê ở H.Sơn Hà, Quảng Ngãi) trước kia làm nghề buôn bán nhưng kinh tế không ổn định. Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cấp đất ở và hỗ trợ tiền xây nhà, cây trồng, con giống cho gia đình chị Sang tại Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua. Nhờ cần cù, chịu khó làm ăn nên cuộc sống của gia đình chị Sang ngày càng ổn định.

Sau khi đi làm ở trường mầm non về, chị lại tất bật với công việc chăn nuôi và trồng trọt. Chồng chị Sang đi làm tại các công trình trên địa bàn H.Sơn Tây. Nhờ vậy, kinh tế gia đình chị đứng ở vị trí tốp đầu của làng. Biết vùng đất mới không phụ người có công, vợ chồng chị Sang đang bàn nhau phát triển số lượng đàn dê, mở rộng thêm việc nuôi heo…

"Cũng nhờ Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã tạo nền móng để cho gia đình tôi phát triển trên mảnh đất mới này. Bây giờ, kinh tế gia đình tôi đã ổn định, không còn khổ như trước kia", chị Sang chia sẻ.

TIẾP TỤC ĐỒNG HÀNH VỚI THANH NIÊN LẬP NGHIỆP

Theo ông Cao Văn Chung, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Bua, đến năm 2020, Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua đã có 30 hộ dân sinh sống ổn định. Mỗi hộ khi mới vào làng được cấp 1.200 m2 đất (trong đó có 300 m2 đất ở), 20 triệu đồng xây nhà và cấp một số con giống, cây giống... Chính quyền địa phương cùng Tỉnh đoàn Quảng Ngãi luôn theo dõi, nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của người dân trong làng để tìm hướng hỗ trợ phù hợp.

Ngôi làng của người trẻ giữa đại ngàn  - Ảnh 3.

Nhờ cần cù, chịu khó làm ăn nên cuộc sống của gia đình chị Sang không còn khổ như trước kia

Hải Phong

"Một số hộ ở Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua xây dựng được mô hình chăn nuôi, trồng trọt phát triển rất tốt, nhờ đó mà có thu nhập ổn định. Vấn đề cần nhất bây giờ là hỗ trợ thêm cho người dân trong làng kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt để phù hợp với vùng đất. Đồng thời, hỗ trợ, định hướng khởi nghiệp và có đầu ra cho các sản phẩm của người dân nơi đây", ông Chung nói.

Anh Lê Văn Vin, Phó bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, cho biết việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: điện, đường giao thông, nước sinh hoạt đã làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, góp phần rất lớn vào việc phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân tại Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua. Thời gian tới, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi sẽ tiếp tục chia sẻ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các hộ gia đình tại đây để có hướng hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, triển khai các hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, đồng hành với các hộ dân để họ ổn định đời sống vật chất và tinh thần.

Theo anh Vin, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động thanh niên, các hộ gia đình đến sinh sống, phát triển kinh tế tại làng thanh niên lập nghiệp. Nghiên cứu, xây dựng các phương án cụ thể, kết hợp với các đơn vị doanh nghiệp tại địa phương để phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả. Phát huy các thanh niên phát triển tốt trong lập thân, lập nghiệp tại làng để làm gương cho các thanh niên còn lại noi theo. 

Làng thanh niên lập nghiệp Sơn Bua là một trong 15 làng thanh niên lập nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, giúp thanh niên địa phương học tập, trao đổi kinh nghiệm về tổ chức đời sống, phát triển kinh tế tại địa phương. Làng được đầu tư khoảng 55 tỉ đồng, với đầy đủ hạ tầng đất ở, đất sản xuất, đường giao thông, điện, nước sạch, khu vui chơi văn hóa… với diện tích khoảng 750 ha.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.