Hài cốt hỏa táng của một phụ nữ trẻ được tìm thấy trong hang động, chôn cất cùng với chiếc gương bằng đồng trên một sườn đá gần Ramat Rachel, cách Jerusalem, Israel không xa.
Theo một nghiên cứu chung do Đại học Tel Aviv và Cơ quan Cổ vật Israel (IAA) thực hiện, ngôi mộ có niên đại khoảng từ cuối thế kỷ thứ 4 đến đầu thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên.
Guy Stiebel, thuộc khoa Khảo cổ học và Trung Cận Đông cổ đại tại Đại học Tel Aviv, nói với CNN trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng phát hiện này "rất có ý nghĩa".
"Giống như làm sống lại một người phụ nữ đã qua đời cách đây 2.300 năm", Stiebel nói về nghiên cứu mà ông đang thực hiện.
Stiebel và nhóm của mình tin rằng đây có thể là phát hiện đầu tiên về tàn tích của một hetaira - tên gọi của những kỹ nữ thời Hy Lạp cổ đại.
Ông nhận định: "Nếu cách giải thích của chúng tôi đúng, thì có vẻ như việc chôn cất này chỉ ra những hoàn cảnh rất độc đáo mà chúng tôi gọi là hetaira, một phụ nữ Hy Lạp đi cùng một trong những quan chức chính phủ Hy Lạp, hoặc nhiều khả năng là một vị tướng cấp cao".
Đây là giai đoạn trong khoảng thời gian giữa cái chết của Alexander Đại đế vào năm 323 trước Công nguyên và cuộc chinh phục Ai Cập của La Mã vào năm 30 trước Công nguyên.
Stiebel nói với CNN, ông và nhóm của mình tin rằng người phụ nữ này có thể là một trong những người Hy Lạp đầu tiên đến khu vực này.
Liat Oz, giám sát cuộc khai quật thuộc IAA, đã mô tả chiếc gương được tìm thấy trong ngôi mộ cùng với hài cốt: "Đây là chiếc gương thứ hai thuộc loại này được phát hiện, tính đến hiện nay ở Israel. Tổng cộng có 63 chiếc gương loại này được biết đến trên khắp thế giới. Chiếc gương được bảo quản trong tình trạng tuyệt vời với chất lượng sản xuất cực cao. Trông nó như mới được làm ngày hôm qua".
Các nhà nghiên cứu cho biết những chiếc gương đồng như thế này từng được tìm thấy trong các ngôi mộ và đền thờ ở Hy Lạp. Chúng thường được trang trí bằng các hình chạm khắc hoặc phù điêu về các nhân vật nữ hoặc nữ thần.
Stiebel nhận định một phụ nữ có địa vị cao có thể nhận được một chiếc gương như một phần của hồi môn. Tuy nhiên điều đó khó có thể xảy ra trong trường hợp này vì phụ nữ đã lập gia đình hiếm khi rời khỏi nhà của họ ở Hy Lạp.
Theo Stiebel, hài cốt có thể là một kỹ nữ, vì họ thường nhận quà từ đàn ông. So sánh hetairai với các geisha Nhật Bản, Stiebel giải thích rằng phụ nữ được coi là "nàng thơ".
Ông nói: "Phụ nữ đã phá vỡ những rào cản trong xã hội Hy Lạp rất nghiêm khắc và thiên về nam giới. Họ còn đóng vai trò tương tự như geisha: cung cấp những yếu tố văn hóa. Vì lý do đó, họ được tặng quà. Đó là một phần của nền kinh tế quà tặng ở Hy Lạp cổ đại liên quan đến những chiếc gương".
Stiebel cho biết, việc hài cốt được hỏa táng cũng ám chỉ nguồn gốc của người phụ nữ.
Ông nói: "Hỏa táng là điều xa lạ với đất nước này", đồng thời giải thích rằng việc hỏa táng không chỉ bị cấm trong đạo Do Thái mà còn không được thực hiện thời đế chế Ba Tư, vốn chiếm đóng khu vực này vào thời điểm đó.
"Ngôi mộ được tìm thấy ở một nơi hoang vu, không gần bất kỳ ngôi làng, trang trại hay khu định cư nào. Điều này cho thấy rằng cô ấy có thể liên quan đến một trong những chiến dịch quân sự có từ thời Alexandra Đại đế hoặc muộn hơn một chút. Chúng tôi cho rằng có thể cô ấy đã đi cùng một trong các vị tướng", Stiebel lý giải.
Ông tiếp tục giải thích ý nghĩa của 4 chiếc đinh sắt được tìm thấy cùng với chiếc gương và hài cốt: "Những chiếc đinh được sử dụng để bảo vệ người đã khuất và cũng để bảo vệ người sống khỏi người chết. Các thi thể được đóng đinh theo đúng nghĩa đen nhằm đảm bảo họ sẽ không quay trở lại thế giới người sống".
Stiebel nói với CNN rằng nhóm đang tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về các chi tiết nhỏ của gương.
Ông nói: "Chúng tôi hy vọng có thể làm sáng tỏ hơn về nguồn gốc của việc sản xuất ra tác phẩm nghệ thuật và có thể làm sáng tỏ hơn về lịch sử của chủ nhân chiếc gương, vị tướng đã mua nó hoặc cô ấy đến từ đâu".
Nghiên cứu này sẽ được trình bày lần đầu tiên tại hội nghị khảo cổ học Israel vào tháng tới.
Bình luận (0)