Ngồi nghe cá quẫy bên xuồng

26/10/2022 18:00 GMT+7

Mùa nước nổi, cá tràn về nhiều. Ngồi lắc lẻo trên xuồng, chúng tôi thả mấy bận lưới thử vận. Tiếng cá quẫy bì bạch đập vào mành, vỗ gợn sóng, lao xao xen lẫn tiếng xuồng ghe huyên náo, như một bản hòa tấu đặc trưng của vùng đất sông nước nghĩa tình.

1. Cái “giàu” ở Bạc Liêu

Một chiều ghé ngang sông, trên cái xuồng gỗ chất đầy năn bột, đứa em khóa dưới quạt mái chèo, tiếng khua khoắng loang loáng cả vùng nước. Năn bột mùa mưa này mọc nhiều, người ở đây thường hái về để làm gỏi, chiên xào hoặc ăn như rau sống. Chả phải cao lương mĩ vị gì nhưng cái hương dân dã thanh tân của nó sẽ níu chân không ít người đã từng nếm thử, dùng dằng muốn quay lại lần nữa.

Mùa nước nổi, cá tràn về nhiều...

công hân

Tôi ngồi đầu kia, nắm thành xuồng, cứng đờ lưng. Dù đã trải nghiệm đôi lần nhưng cái chênh vênh này vẫn làm tôi sợ hãi, thậm chí cảm tưởng chỉ cần lơi nhẹ tay sẽ cắm ngay mặt xuống dòng nước chảy. Cô bé đi cùng cười khoái chí, chơi khăm lắc thành xuồng mấy bận. Tôi ngồi trên bồng bềnh sông nước, chợt thấy cái chòng chành chẳng khác gì cánh muỗi trong rừng ngập mặn, ngả nghiêng đập mà vẫn thăng bằng một cách diệu kỳ.

Vùng Bạc Liêu này khác hẳn hình dung trước kia trong tôi. Nó chả chơi trội như anh chàng công tử. Cái “giàu” ở đây chính là thứ tình người nồng hậu, là sự trù phú cá tôm.

Mỗi lần về chơi ké, không cần biết là lễ chạp hay ngày thường, nhà cô bé đều đãi tôi cơ mang thứ đặc sản chỉ nghe tên đã thèm miệng chẳng đặng khép: là cái bát canh chua cơm mẻ, là nồi lẩu mắm nức mũi mặn mà, là tôm hấp, cua lột, là cơ man loại trái cây trong vườn tự tay chăm bón… Cũng từ chối mấy bận, bảo cô chú cứ nấu như bình thường, mà cái nhiệt tình của dân nơi đây thật còn hơn vàng mười, họ hiếu khách chứ chả phải cả nể gì cho cam. Thành ra mấy lần sau, tôi biết ý nên cứ tới chơi là lại xách theo quà trên thành phố để đáp lễ, ấy thế mà lúc quay về vẫn nợ “tình cảm” nhiều quá khi khệ nệ mang theo vài bịch cá tôm.

Hay đợt trung thu vừa rồi, cô bé đóng gói một túi trái cây cùng hai cái bánh ngọt nhà làm, cứ dặn đi dặn lại: “Má em gửi lên, để em chia cho mà ăn, đừng có mua nữa đấy”. Tôi phì cười đồng ý. Kể ra, quà chả đáng bao đồng, mà sao tự nhiên thấy mình chợt “giàu có” tới lạ kì. Chắc cái “giàu” của người Bạc Liêu đã lặng lẽ đột nhập vào mình qua đường... tiêu hóa tự lúc nào chẳng biết cũng nên!

Quả thật, cái “giàu” của dân miền Tây ấm lòng tới nỗi làm bất kỳ viễn khách tha hương nào cũng phải rưng rưng.

2. Tình Bạc Liêu

Nhà cô bé cạnh mé sông. Chờ chiều nhạt nắng, chúng tôi quyết định chèo xuồng ra cắt bồn bồn. Cây này chặt phần lá, giữ lại gốc, tách lấy phần trắng nõn bên trong, đem làm dưa chua để ăn kèm mắm ruốc hay cá kho tộ là ngon hết sẩy. Mỗi lần nhìn cô bé thoăn thoắt rửa cọng bồn bồn non rồi đem ngâm với đường, muối cùng nước vo gạo là tôi lại nhớ ngay tới cái vị giòn giòn, chua thanh của dưa món cộng với chất ngọt đặc trưng của bồn bồn tươi. Món này có thể nói là tuyệt đỉnh đưa cơm trong mùa nước nổi.

Phía sau nhà cô bé có đặt một chuồng chim cút. Nghe cô bé kể, cha đã hì hục làm chuồng nuôi cút lấy trứng, vì biết con gái thích ăn. Cứ để nó đẻ dồn được mấy trăm trứng thì dưới quê lại đóng thùng xốp lót trấu gửi lên thành phố, kèm theo mớ rau, cái ớt, hủ mắm cá, hay con gà chặt sẵn… Chà, có lẽ ở đâu thì tình cảm của đấng sinh thành cũng dung dị đầy ắp yêu thương như vậy.

Mỗi lần thấy cô bé ra bến xe chở hàng về là tôi lại nhớ nhà, nhớ hình bóng ba giờ đã ở miền miên viễn ghê gớm. Hình như trong ký ức về ngày thơ xa tít tắp, tôi cũng từng được nhận những món quà mà chẳng siêu thị nào có được, như thế!

3. Bên xuồng cá quẫy

Ở đây người ta hay ngồi trước hiên nhà, nghe tiếng xuồng ghe chạy ngang, chào hỏi nhau đôi câu vô thưởng vô phạt, rồi áp tai hướng về mé sông nghe cá quẫy đuôi.

Xứ sông nước này có cái “nghề” rất lạ, đó là nghề “nghe cá”. Chỉ những ai đã có thâm niên chài lưới kèm theo chút thiên phú mới có thể nghe được tiếng cá bơi mà đoán ra nơi có dòng cá.

Mấy đứa thanh niên chúng tôi chỉ quen nghe tiếng xe cộ lúc tan tầm kẹt cứng trên Sài thành, chứ nào phân biệt được cái tiếng cá quẫy bên xuồng hay ùng ục nước chảy. Ấy vậy mà chiều nào rảnh rỗi trong kỳ nghỉ ké, tôi và bé em cũng lanh chanh ngồi cạnh mé sông, cố chấp “giao tiếp” cùng đàn cá một cách vô vọng. Cô bé ngồi bên thỉnh thoảng cao hứng, hát mấy câu vọng cổ lạc giọng. Cá nghe tiếng, bơi tán loạn dưới sông. Người lớn trong nhà ngó ra, chỉ biết lắc đầu cười khà, thôi thì kệ thây chúng nó.

Mùa nước nổi, cá tràn về nhiều. Ngồi lắc lẻo trên xuồng, chúng tôi thả mấy bận lưới thử vận. Tiếng cá quẫy bì bạch đập vào mành, vỗ gợn sóng, lao xao xen lẫn tiếng xuồng ghe huyên náo, như một bản hòa tấu đặc trưng của vùng đất sông nước nghĩa tình. Đi xa tới cỡ nào, nghe thêm biết bao âm thanh xinh đẹp, thì cũng chẳng cách nào lãng quên.

Hôm sau về, cái ba lô của tôi lại được nhét thêm vài ba thứ lạ hoắc: là hủ mắm cá linh, là bịch khô cá lóc, là túi nhãn da bò mới hái còn phủ bụi mịn, là ánh mắt quyến luyến cùng cái đập vai thật khẽ: “Lần sau nhớ về chơi với cô chú nhé!”

Ngồi trên xe, phóng mắt ra miên man sông nước, tay nâng niu thức quà chứa đầy hương miền tây trong ba lô, chợt thấy nặng lòng như đang mang theo cả một túi tràn trề: cái tình, cái nghĩa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.