Xưởng may này là một gian nhà cấp 4 lợp tôn xi măng, nằm sát đường liên xã Bình Minh, không có biển hiệu mà treo tấm băng rôn lớn ghi dòng chữ “Văn phòng Hội người khuyết tật huyện Bình Giang”. Trong xưởng đặt 8 máy khâu chia thành 2 hàng. Trong khi những người khác cặm cụi từng đường may thì bà Quê cà nhắc đến từng máy khâu quan sát, nhắc nhở: “Gấp nếp thế này, đều tay vào, như thế, như thế...”.
Đi đi lại lại nhắc việc được vài vòng, bà Quê ngồi sụp xuống nền, luôn tay gấp đống cờ mà thợ vừa may vào dây. “Mỗi dây có 35 cái. 1 dây thợ được 1.200 đồng. Công việc thì chúng tôi có nhiều lắm, quan trọng là các cháu có chăm chỉ hay không”, bà Quê nói.
Vốn sinh ra đã bị dị tật ở chân, bà Quê thấu hiểu nỗi lòng của người khuyết tật. “Người khuyết tật cái gì cũng thiệt thòi, tự ti nên khó hòa nhập, ít có cơ hội tự kiếm sống vì không có nhiều nghề phù hợp. Bản thân tôi từng trải qua nhiều cay đắng vì khuyết điểm cơ thể, nên tôi rất thấu hiểu. Đến khi con tôi đỗ đại học, tự lo được cho bản thân, tôi quyết định phải làm một cái gì đó cho những người khuyết tật”, bà Quê chia sẻ.
Đầu năm 2017, bà Quê phối hợp với Hội người khuyết tật huyện Bình Giang, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương mở lớp dạy nghề may cho những người khuyết tật tại nhà bố mẹ đẻ của bà (thôn Nhuận Đông, xã Bình Minh). Sau 6 tháng, để tạo cơ hội làm nghề cho lứa học viên đầu tiên, bà Quê mạnh dạn mở xưởng may tại đây. Xưởng chủ yếu nhận may cờ hiệu vào dây, hoàn thiện cờ Tổ quốc (may sao vàng, may viền).
“Đến đây học và làm không mất gì cả. Xưởng hỗ trợ ăn trưa và ăn lương theo sản phẩm. Nếu làm đều cũng được khoảng 3 triệu đồng/tháng”, chị Vũ Thị Huệ (22 tuổi, ở xã Vĩnh Hồng, huyện Bình Giang) chia sẻ. Chị Huệ là người bị hạn chế trong việc phát âm, từ nhỏ đã rụt rè, ngại giao tiếp. Trước khi đến học và làm ở xưởng may, chị Huệ không có công việc gì.
Ngồi ngay trước chị Huệ là Trần Thị Thương (21 tuổi, ngụ xã Bình Minh, huyện Bình Giang). Chị Thương có gương mặt khắc khổ và phát âm rất khó, sợ người lạ. Khi chúng tôi lại gần định hỏi chuyện thì chị Thương chạy ra sân. “Chuyện thường ngày ấy mà. Các bạn ấy từ bé đã hạn chế giao tiếp, tự ti lắm. Khi tôi hay giáo viên về dạy nghề, cũng ngọt nhạt, chiều chuộng nhiều để các bạn ấy kiên trì theo học”, bà Quê chia sẻ, rồi chạy ra dỗ Thương vào làm tiếp. “Làm ở đây không gò bó hay ép buộc gì nhưng nhiều em cũng thất thường, do tâm lý tự ti của họ. Vì vậy, nếu ai nghỉ lâu quá, tôi phải đến nhà hỏi han, động viên, thậm chí nịnh họ đến xưởng cho có bạn có bè”, bà Quê cho biết.
Hiện nay xưởng có 19 người khuyết tật đang làm việc. Ngoài ra, để tạo ra “không khí bình thường” cho xưởng may của mình, bà Quê chủ động tìm đến những phụ nữ có sức khỏe yếu, cần một công việc nhẹ nhàng, thu nhập ổn định, mời về xưởng cùng làm với người khuyết tật. Nhìn cảnh một thợ may bị câm khua chân tay rồi cười ngặt nghẽo khi nói chuyện gì đó với một thợ may khác mới thấy, xưởng may thật sự là ngôi nhà chung ấp áp dành cho họ.
Ông Vũ Đình Nghi, Phó chủ tịch UBND xã Bình Minh, đánh giá rất cao việc làm của bà Quê: “Chị Quê là người một trong những người sáng lập Hội người khuyết tật của huyện, đồng thời là Chủ tịch Hội người khuyết tật của xã. Việc làm của chị ấy thật sự thiết thực, nên chính quyền xã luôn tạo mọi điều kiện để xưởng may hoạt động, phát triển”.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, bà Quê cho biết, mọi việc ở xưởng đang khá ổn định, nhưng để phát triển thêm thì sẽ gặp nhiều khó khăn. “Xưởng hiện nay đã khá chật, nếu có thêm người thì thật không biết bố trí thế nào. Máy móc thì thiếu quá, số máy đang dùng là do Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Hải Dương cho mượn. Giá mà có thêm mấy cái máy may đời mới, các bạn ấy sẽ làm được nhiều sản phẩm hơn”, bà Quê tâm sự.
Bình luận (0)