'Ngôi nhà trí tuệ' đến vùng quê nghèo

27/01/2019 09:01 GMT+7

Từ nhiều năm nay, Nguyễn Anh Tuấn âm thầm 'xây' những ngôi nhà và đặt tên là 'Ngôi nhà trí tuệ' cho những vùng quê nghèo.

Nguyễn Anh Tuấn sinh ra và lớn lên tại miền quê nghèo thuộc xã Thanh Tiên, H.Thanh Chương, Nghệ An. Hành trình khai sáng kiến thức và khát vọng đổi đời đưa chàng trai xứ Nghệ đến TP.HCM. Khi hai mục tiêu này đã thực hiện được, Tuấn khát khao mang kiến thức đến với vùng quê nghèo. Thế là ý tưởng “Ngôi nhà trí tuệ” cho vùng quê nghèo ra đời.

Tuấn chia sẻ trong chuyến về Hà Tĩnh để tặng sách thuộc chương trình “Tủ sách nhân ái” mà anh làm “chủ xị”: “Mình sinh ra và lớn lên tại quê nghèo nên hiểu được sự thiếu thốn về vật chất cũng như sự khó khăn trong việc tiếp cận tri thức mới từ sách vở, thầy cô giáo trong các môn học kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp, định hướng cuộc đời… Vì thế, mình quyết tâm với ý tưởng những “Ngôi nhà trí tuệ” cho vùng quê nghèo”.
“Ngôi nhà trí tuệ” đầu tiên được Tuấn thiết kế ngay trong ngôi nhà của bố mẹ mình tại xóm 7, Cồn Tần, Thanh Tiên, Thanh Chương, Nghệ An. Ngôi nhà thứ 2 tại xã Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An. Trong năm 2019, Tuấn dự kiến khai trương thêm 3 ngôi nhà khác tại Nghệ An, Huế, Bình Định.
Hoạt động của “Ngôi nhà trí tuệ” hết sức thú vị mà có lẽ ở các vùng quê, mọi người - đặc biệt là các em học sinh khó có dịp tiếp cận.
“Ở đó, các em nhỏ có thể hỏi và được trả lời bất cứ câu nào, kể cả những câu hỏi điên rồ, ngớ ngẩn nhất. Đây cũng là nơi nhiều người dân quê có thể được chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, sự hiểu biết cho nhau một cách dễ dàng nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất…”, Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Theo tìm hiểu, “Ngôi nhà trí tuệ” có các lớp học miễn phí với nhiều môn học, trong đó đặc biệt ưu tiên môn tiếng Anh được giảng dạy bởi các giáo viên người địa phương và giảng viên người nước ngoài. Bên cạnh đó là các lớp học chuyên đề trau dồi kỹ năng sống, giúp các em sớm biết cách định hướng và tự quản trị cuộc đời, biết tối ưu hóa những năng lực của bản thân như: hiểu về lòng nhân ái, các loại hình thông minh, phương pháp học tập hiệu quả, các kỹ năng mềm, giá trị của việc đọc sách và phương pháp đọc sách, lập bản đồ tư duy, kỹ năng tạo động lực, tự thể hiện bản thân; thiết lập mục tiêu, sử dụng thời gian, biết tôn trọng, lắng nghe và khích lệ người khác… Các buổi học này do nhiều thầy cô từ nhiều vùng miền của Tổ quốc tham gia truyền đạt.
Cô Ngô Diệu Thúy tham gia giảng dạy kỹ năng sống tại “Ngôi nhà trí tuệ” số 1 cho biết: “Các em học sinh ở đây còn thiếu rất nhiều kỹ năng sống. Mà kỹ năng sống rất quan trọng để các em thành công trong cuộc đời”.
Còn cô Konadu Gloria, dạy ngoại ngữ tại đây, hào hứng: “Đây là một hoạt động rất bổ ích. Các em rất đáng yêu và thích thú khi được học tiếng Anh”.
Khi tôi hỏi các em Hồ Sĩ Châu, Nguyễn Quang Huy, Phan Thị Hoa, Nguyễn Thị Hạnh… thì tất cả đều cho rằng rất thích các môn học, chủ đề học và cách học ở đây… vì rất thú vị, mà ở trường các em không được tiếp cận.
“Tôi đánh giá cao mô hình, phương pháp giáo dục của “Ngôi nhà trí tuệ”. Nó rất ý nghĩa và thiết thực với các em học sinh ở vùng quê nghèo”, ông Đặng Văn Hóa, Trưởng phòng Giáo dục H.Thanh Chương, nhận xét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.