Ngồi nhiều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ

13/03/2020 09:25 GMT+7

Một nghiên cứu mới phát hiện phụ nữ lớn tuổi ngồi liên tục cả ngày có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn, theo Medical News Today .

Nhiều nhà khoa học và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe mô tả việc ngồi như một hiểm họa của sức khỏe thời hiện đại.
Thậm chí nhiều người ngồi cả trong lúc làm việc và lúc nghỉ ngơi.
Một nghiên cứu trước đây với gần 6.000 người trên 18 tuổi ở Mỹ cho thấy 1/4 số người ngồi hơn 8 giờ mỗi ngày.
Nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy chỉ có 3% số người được hỏi cho biết họ ngồi dưới 4 giờ mỗi ngày và hoạt động nhiều hơn.
Giờ đây, một nghiên cứu mới, được đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, đã xem xét thói quen ngồi lâu của phụ nữ sau mãn kinh - bị thừa cân và béo phì, ở độ tuổi khoảng 55 trở lên.
Lâu nay, người ta vẫn cho rằng phụ nữ ít có nguy cơ mắc bệnh tim, mặc dù đây thực sự là nguyên nhân gây tử vong số một ở phụ nữ, tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Dorothy Sears, từ Đại học Giải pháp Y tế thuộc Đại học Arizona ở Phoenix (Mỹ), nói với tờ Medical News Today.

1/3 phụ nữ chết vì bệnh tim

Có đến 1/3 phụ nữ chết vì bệnh tim, tiến sĩ Sears cho biết. Phụ nữ lớn tuổi, sau mãn kinh, thường có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, như bệnh tim mạch và tiểu đường loại 2.
Vì lý do này, điều quan trọng là phải hiểu các thói quen sống ảnh hưởng đến nguy cơ bệnh tim mạch như thế nào.
Bằng chứng cho thấy việc ngồi lâu không những ngày càng thịnh hành mà còn dẫn đến bệnh tim và nguy cơ tử vong, đặc biệt là ở người lớn tuổi.
Vì vậy, đối với phụ nữ sau mãn kinh - thường bị thừa cân hoặc béo phì, những người thường có thói quen ngồi lâu, có nguy cơ rối loạn chuyển hóa cơ tim rất cao, tiến sĩ Sears cảnh báo.
Nghiên cứu đã xem xét 518 phụ nữ với độ tuổi trung bình là 63 và bị béo phì nhẹ.
Những người tham gia được đeo một thiết bị theo dõi hoạt động thể chất và thời gian ngồi của họ trong 14 ngày và sau đó được xét nghiệm máu để đo lượng đường trong máu và mức kháng insulin.

Tập thể dục không giảm thiểu được rủi ro

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc ngồi lâu đối với chỉ số khối cơ thể và vòng eo lớn hơn, cũng như lượng đường trong máu lúc đói, mức insulin, triglyceride và khả năng kháng insulin đều cao hơn. Tất cả những điều này là các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim và đột quỵ.
Những phát hiện đã làm các nhà nghiên cứu vô cùng ngạc nhiên. Họ đã nghĩ rằng việc ngồi lâu sẽ tác động đến mức độ kháng insulin, nhưng không ngờ mức độ tác động lại mạnh như vậy, tiến sĩ Sears cho biết.
Kết quả cho thấy cứ mỗi giờ ngồi thêm mỗi ngày dẫn đến tình trạng kháng insulin tăng hơn 7%, và cứ thêm 15 phút ngồi liên tục sẽ làm tăng gần 9% mức kháng insulin.
Không chỉ vậy, kết quả còn cho thấy, tập thể dục cũng không giảm thiểu được tác hại của việc ngồi nhiều này.
Bằng chứng từ nghiên cứu này cho thấy ngồi nhiều là nguy cơ sức khỏe chuyển hóa tim, tiến sĩ Sears cho biết.
Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo mọi người nên giảm thời gian ngồi, giảm tổng thời gian ngồi hằng ngày và số lần ngồi lâu, bên cạnh việc khuyến khích tập thể dục.
Các nghiên cứu khác cho thấy thay thế thời gian ngồi bằng việc đứng hoặc hoạt động nhẹ có thể thúc đẩy sức khỏe ở người già.
Bằng chứng cho thấy nên liên tục đứng dậy sau một khoảng thời gian ngồi, ví dụ cứ sau 30 phút ngồi, nên đứng dậy đi lại tập vài động tác trong vài phút, đồng thời không nên ngồi nhiều hoặc ngồi lâu, tiến sĩ Sears cho biết, theo Medical News Today.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.