Ngồi nhìn nhân gian

Sáng nay, Dũng xin 1 ngàn, đưa tờ 10 ngàn nó không lấy, bảo chỉ 1 ngàn. Lục ví mãi, may cũng tìm thấy. Hỏi chi rứa? Nó bảo ngày đầu tiên năm mới, bơm nước (giếng khoan) tưới cây nên có lệ phải mua nước. Xong nó chôn 1 ngàn xuống đất, nổ máy bơm.

Nói, mày ưa thì làm chứ tao thấy linh tinh. Nước là của trời đất, giếng của mình đóng, trời đất không bán nước bao giờ.
Lát sau thì ông Mỹ mang thùng vô xin nước, chỉ cho ông múc trong hồ. Hỏi Dũng, giờ thì ai lấy 1 ngàn? Hồ tao tao lấy hay trời đất lấy? Nó cười.
*
Ông Mỹ xin nước xong thì xách đi cà lai cà thọt (chân ông tập tễnh) sang khu nghĩa địa bên cạnh. Ông cẩn thận múc tưới cho từng chậu hoa người đi viếng đặt trước mộ nhưng bị héo.
Ông cứ xách, tưới mãi cho kỳ hết mới sang khu khác. Ở đó, ông có đóng giếng khoan và xây nhiều bể chứa cho người dân múc nước tưới. Không tưới thì ông tưới. Chậu hoa nào đặt không chuẩn thì ông sửa lại, có bông hoa gãy thì ông dùng kéo cắt bỏ. Từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, không việc này thì việc khác, cứ thế. Ông chẳng có phụ cấp, chẳng có ai trả tiền.
Hôm mùng một tết, ông đến thắp hương, tôi có biếu ông chút đỉnh, gọi là mừng tuổi. Ông cám ơn rồi quy ra xăng.
Trước nhà ông ở làng Cẩm Sa (nay là khu phố thuộc thị xã Điện Bàn, gần nhà vườn mình), ông luôn để cái bơm và mấy chai xăng. Con đường đó công nhân khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc hay qua lại. Xe ai xẹp lốp thì lấy bơm tự bơm, ai xe lỡ hết xăng thì đổ. Đổ một chai khi về mua trả lại một chai. Hỏi có người nào không trả không? Ông nói, nhiều!
Ông mắc bệnh thấp khớp kinh niên nhưng ngày nào cũng như ngày nào, dù mưa hay nắng, ông kéo chiếc xe ba gác sau chiếc Honda 81, trên xe có sẵn cuốc xẻng, thấy ổ gà, ổ trâu là dừng lại xúc đất san lấp.
Đó là ở khu nghĩa trang, người dân Cẩm Sa gọi đó là rừng. Hỏi ông Mỹ đâu rồi, nói ngoài rừng, tức là đây.
Nhiều người gọi ông là ông bao đồng, lắm người bảo ông hâm. Mình chẳng thấy ông hâm gì cả, nói chuyện tỉnh táo, hiểu biết và chân tình. Nhưng mà nói hâm cũng không sai, ai đời cứ làm việc không tiền như thế bao giờ?
Người nhà ông thì bảo ông thích ông làm, ông làm thì đỡ đau, khỏe ra thì mắc chi mà không để ông làm.
Kính trọng ông vô cùng!
*
Ngày tết, khu nghĩa trang nhộn nhịp hẳn lên. Hầu hết nhà nào cũng đi viếng mộ. Thấy chiếc ô tô đi vào đường Bến Xuân, vừa nhìn vừa chửi, thằng nào lái xe ẩu kinh, vào đây còn phóng như điên.
Xe đỗ trước cổng. 4 cậu choai choai, đầu xịt gôm, đi giày xanh đỏ, bước xuống, mở cốp xe, mỗi cậu bê một chậu cúc vạn thọ rồi đi về khu mộ phía sau. Không phải khách mình nên đứng nhìn. 4 cậu đặt chậu cúc xuống đất, bật lửa đốt nhang, đốt cả thẻ.
Nhang cháy thành lửa, các cậu càng giập càng cháy. Đoạn nóng quá thì thả xuống đất. Cười nói râm ran. Xong thì nhặt lại từng cây, cắm lên dãy mộ 9 cái nằm theo hình rẻ quạt. Xong thì lên xe, cười nói râm ran. Chắc bàn về vụ nhang cháy.
Xe lùi một đoạn, lái xe đánh đít vào bãi để quay đầu. Bãi đó người ta mới đổ cát để làm khu mộ nên xe bị lún, càng rồ máy, cát bay mù mịt nhưng càng lún sâu.
Một cậu gọi, chú ơi, ra đẩy cho con một tay. Mình đi ra, bảo: “Các cháu quay lại sửa mấy chậu hoa. Các cháu bỏ xuống đất nhưng chưa đặt, có cái khi các cháu bị nhang nóng nhảy lung tung nên đá vào nó, nó còn nằm nghiêng. Với lại, thắp nhang xong, các cháu phải lạy chứ? Vội gì đến mức không kịp lạy?”. (Người già thật lắm chuyện, nhỉ). Một cậu đáp, tụi cháu bận chạy về kịp chở mẹ đi chùa, các mẹ hẹn nhau và hẹn giờ tốt rồi.
Đến đây thì không nói nữa. Nghĩ, viếng mộ tổ tiên, ông bà nhà mình mà không có tâm thì đi chùa làm gì cơ chứ?
Xe thoát khỏi chỗ lún thì 4 đứa nhảy lên phóng thẳng, không đứa nào ngoái lại chứ đừng nói cám ơn mình.
Xong, tôi đi ra khu mộ đó, đặt lại mấy chậu hoa, sửa lại mấy cây nhang nghiêng ngả. Nghĩ, không biết giờ này mẹ các cháu đi chùa thì các bà ấy đang cầu cái gì? Chắc có cầu cho con thành đạt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.