Ngồi ở văn phòng đến tối mịt mới là nhân viên xuất sắc?

30/08/2018 15:39 GMT+7

Nhiều bạn trẻ chia sẻ từng không dám xách túi đi ra về khi mà sếp vẫn còn ở văn phòng , dù công việc đã giải quyết xong vì sợ bị đánh giá là lười nhác.

Vậy, có thật là phải ngồi thật lâu trong văn phòng mới là nhân viên xuất sắc? Hiệu quả công việc được tính ra sao giữa thời gian và năng suất thực hiện nó? Chúng tôi đã trao đổi với nhiều bạn trẻ về vấn đề này.
Năng suất quan trọng hơn thời gian
Anh Nguyễn Thái Bình, 33 tuổi, đồng sáng lập doanh nghiệp xã hội One4One, quận Tân Bình, TP.HCM, cho hay theo cá nhân chị khi làm chăm chỉ ắt sẽ biết cách làm việc thông minh. Tức là khi mình quan tâm nhiều đến công việc mình làm, dành nhiều thời gian cho nó, dần dần mình sẽ biết cách thực hiện nó hiệu quả, vừa đảm bảo trong một thời gian vừa phải vẫn cho hiệu quả công việc cao.
Anh Nguyễn Đức Hải, 33 tuổi, cựu sinh viên Oxford Business College, Vương quốc Anh, nhà sáng lập Công ty thiết bị thể thao dưới nước Hai Watersports, cho rằng làm việc cần quan trọng hiệu quả, muốn như vậy thì bạn có kế hoạch và tập trung xử lý kế hoạch đó. “Nếu năng lượng tốt, cảm hứng tốt thì mình cứ tiếp tục công việc. Nhưng khi mệt mỏi và thiếu động lực thì nên tạm dừng công việc. Bạn có thể tìm cách giải trí, thể thao, tụ tập bạn bè hay đi du lịch cho thoải mái và lấy lại năng lượng. Tóm lại là quan trọng năng suất chứ không quan trọng thời gian. Tôi cho rằng bạn trẻ cần quan tâm sức khỏe tinh thần cũng như thể chất để có chất lượng công việc luôn cao”, anh Hải nói.
Anh Hải cũng cho rằng, không chỉ khi đi làm, mà ngay cả lúc học tập cũng cần phân bổ hài hòa giữa thời gian nghỉ ngơi, tham gia ngoại khóa. Những năm tháng du học sinh tại Anh, anh thấy nhiều bạn không phải "mọt sách”, hay đi du lịch, tham gia hoạt động ngoại khóa, khi đến các kỳ thi, các bạn vẫn đạt kết quả xuất sắc, sau đó đi làm cũng rất thành công.
Học hỏi, không chỉ ở trong phòng làm việc
Bùi Anh Thư, 24 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, làm việc trong lĩnh vực truyền thông, trú quận Gò Vấp, TP.HCM thẳng thắn chia sẻ, với cô tuổi trẻ phải năng nổ, xông xáo và học tập nhiều. “Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta chôn vùi tuổi thanh xuân của bản thân từ 9 giờ sáng đến 8 - 9 giờ tối trong khối bê tông, đóng khuôn đời mình phía sau những ô cửa”, Thư nói.
Theo Thư, bạn trẻ có nhiều không gian để có thể học hỏi, trau dồi kiến thức, không nhất thiết cứ phải ngồi trong phòng làm việc: “Bạn có thể làm quen với đồng nghiệp bằng cách ăn trưa cùng họ để hỏi về chuyên môn, cùng đi uống gì đó và nghe họ chia sẻ những quan điểm, tư duy trong nghề nghiệp. Có thể ngồi ở một quán cà phê đẹp có nhạc hay và không gian mở để nghiên cứu một vấn đề mà mình lưu tâm. Điều quan trọng, không phải là thời gian của bạn ở công ty, ngồi trong văn phòng bao nhiêu mà là năng suất làm việc của bạn thế nào”.
Tùy vào tính chất công việc, bạn trẻ có thể làm việc ở quán cà phê Thúy Hằng
“Theo quan điểm của tôi bạn trẻ đừng thấy tội lỗi khi không là người ở lại lâu nhất công ty mà phải thấy khuyết điểm khi không phải là người làm việc hiệu quả nhất. Tôi cũng vật lộn với điều đó một thời gian cho đến khi học cách tính thời gian làm việc của mình. Một bài viết 1.000 chữ mất bao lâu, một bài dịch 800 chữ mất mấy giờ đồng hồ, một thông cáo báo chí sẽ cần bao nhiêu thời gian? Tất cả, tôi đều quy ra thời gian để định lượng công việc, sắp xếp chúng và buộc bản thân tập trung đúng chừng ấy thì giờ để công việc được hoàn thiện tốt nhất. Khi làm được điều đó, chúng ta có thể ra một cái mốc thời gian cho sếp và những người khác, trả lời chắc chắn cho họ một con số thời gian chính xác để giao công việc. Cũng từ đó, mình nhận nhiều dự án hơn, còn dư ra thời gian để xem phim hay làm những gì mình thích”, Bùi Anh Thư nói.
Tuy nhiên, theo Thư, tùy tính chất mỗi công việc, người làm việc có thể gắn bó lâu trong không gian làm việc hay có thể ra ngoài. Ví dụ như bác sĩ, nơi họ cần có mặt là bệnh viện; nhà nghiên cứu khoa học họ cần ở phòng thí nghiệm…
Bùi Phạm Ấm, 25 tuổi, khởi nghiệp với du lịch sinh thái tại huyện Kế Sách, Sóc Trăng cho rằng cá nhân anh không thích những công việc ngồi trong văn phòng, làm đủ 8-9 tiếng mỗi ngày và lấy lương hằng tháng. Anh thích tự do và sáng tạo hơn, do đó sức ép cũng lớn hơn. Đó cũng là cơ duyên để anh tự tạo công việc cho chính mình với mô hình đón khách vào thăm vườn trái cây của gia đình.
“Không có một đáp án cụ thể là tôi sẽ phải làm việc mỗi ngày bao nhiêu tiếng. Có thể có những ngày làm 12 tiếng hoặc hơn, có những ngày được nghỉ ngơi. Nhưng khởi nghiệp phải trải qua một quãng thời gian dài để tìm tới thành công, chịu nhiều sức ép tâm lý, sự rủi ro xung quanh. Người khởi nghiệp đòi hỏi năng lực, cơ duyên, sự may mắn. Năng suất công việc chỉ đến và đạt mức cao khi mình bắt được đúng nhịp công việc và các yếu tố bên ngoài thuận lợi”, anh Ấm nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.