Ngổn ngang những con đường ở Huế

28/07/2018 13:06 GMT+7

Không chỉ với các hộ kinh doanh trên đường Bà Triệu, mà nhiều tuyến đường khác ở TP.Huế đều gặp tình cảnh đường bị đào bới ngổn ngang. Nhiều hộ đã buộc phải đóng cửa, trả mặt bằng vì không mua bán được.

Trong quá trình thực hiện dự án, các nhà thầu thi công dự án cải thiện môi trường nước TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) đã bị phạt hơn 1 tỉ đồng vì vi phạm quá nhiều, do năng lực kém nên dự án đến nay vẫn tiếp tục chậm tiến độ, làm khổ người dân.
Gần 100 văn bản đôn đốc
Ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý dự án (BQLDA) cải thiện môi trường nước TP.Huế, cho biết do các nhà thầu hạn chế năng lực, thi công chậm đã dẫn đến dự án không hoàn thiện đúng theo kế hoạch dù có tháng BQLDA ban hành gần 100 văn bản điều hành, đôn đốc.

Báo cáo giám sát của HĐND tỉnh tại kỳ họp mới đây đánh giá: “Năng lực các nhà thầu chính chưa đáp ứng yêu cầu là nguyên nhân chính làm chậm tiến độ dự án. Hầu hết các nhà thầu hạn chế về dòng tiền mặt, nhân lực, phương tiện thi công không đảm bảo; thiếu kinh nghiệm thi công trong điều kiện địa hình, địa chất, thời tiết khắc nghiệt ở Huế”. Trong các nhà thầu chính, nhà thầu Hanshin (Hàn Quốc) tuy không yếu về năng lực, nhưng theo báo cáo của chủ đầu tư, có biểu hiện cố tình gây chậm trễ ở một số khâu, đòi phát sinh, làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện.
Cũng theo báo cáo giám sát của HĐND tỉnh, thời gian qua BQLDA, nhà thầu tư vấn đã tăng cường kiểm tra và phạt tại chỗ đối với nhà thầu vi phạm, đến nay số tiền phạt các nhà thầu phải nộp đã hơn 1 tỉ đồng (bình quân 10 - 15 triệu đồng/lần phạt). Công an TP.Huế cũng đã phát hiện các lỗi vi phạm không bố trí biển báo, rào chắn, không có biển báo tín hiệu, không bố trí người hướng dẫn giao thông; không đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn lao động tại công trường… và đã xử phạt 63 trường hợp, với số tiền xử phạt hơn 180 triệu đồng đối với các nhà thầu.
Người dân lãnh đủ
Đến nay, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.Huế vẫn còn đào bới ngổn ngang. Ông Nguyễn An Vinh, chủ một shop thời trang ở đường Bà Triệu (TP.Huế), than thở: “Chúng tôi bỏ ra một số tiền lớn để thuê mặt bằng kinh doanh nhưng từ khi dự án triển khai, đường sá ngổn ngang nên buôn bán rất ế ẩm, gia đình tôi rơi vào cảnh khó khăn. Các hộ kinh doanh đã gửi đơn kiến nghị lên UBND phường và chủ đầu tư dự án nhanh chóng hoàn trả mặt bằng”. Không chỉ với các hộ kinh doanh trên đường Bà Triệu, mà nhiều tuyến đường khác như Hùng Vương, An Dương Vương, Phan Chu Trinh… đều gặp tình cảnh tương tự. Nhiều hộ đã buộc phải đóng cửa, trả mặt bằng vì không mua bán được.
Theo ông Tuấn Anh: “Dự án đến nay mới đạt tiến độ chung 70%, trong đó 3 gói thầu đường ống đạt tiến độ khoảng 80%. Riêng gói xây dựng nhà máy xử lý nước thải, các trạm bơm, cơ bản hoàn thành phần xây dựng và nhà thầu đang tiến hành lắp đặt các thiết bị điện và cơ khí. Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và các đơn vị liên quan đã có đánh giá tiến độ để xin Chính phủ gia hạn kéo dài thời gian thực hiện dự án, hiện Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đồng ý kéo dài thời gian hoàn thiện dự án đến ngày 31.12.2020. Như vậy, người dân Huế lại tiếp tục chịu khổ vì ô nhiễm và ách tắc giao thông, kinh doanh buôn bán đình trệ kéo dài.
Dự án cải thiện môi trường nước TP.Huế có tổng mức đầu tư 24 tỉ yen (khoảng 4.200 tỉ đồng) từ nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản. Dự án được khởi công từ tháng 8.2015, nhằm cải tạo, mở rộng hệ thống thoát nước; xây dựng mới và cải tạo hệ thống thu gom, xử lý khoảng 70% lượng nước thải sinh hoạt khu vực nội thị Nam sông Hương giai đoạn đến năm 2020, nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải không được kiểm soát và không được xử lý. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thiện vào ngày 28.7.2018.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.