Sắp bước vào năm học mới nhưng trường lớp ở ĐBSCL vẫn còn ngổn ngang, thiếu thốn trăm bề.
Hơn 100 xã chưa có trường mầm non riêng
Trường THPT Long Mỹ (H.Long Mỹ) là trường THPT lớn nhất tỉnh Hậu Giang nhưng cũng đang gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bức thiết nhất là thiếu 200 bộ bàn ghế học sinh dù đã xin gần 3 năm nay vẫn chưa được xem xét. Hiện nhà trường phải phân công các giáo viên sửa chữa chắp vá những bộ bàn ghế “quá đát” để học sinh có đủ chỗ ngồi học. Cũng tại trường này, công trình xây dựng 19 phòng học đang dở dang; bàn ghế, dụng cụ học tập chưa được trang bị nên chắc chắn không thể kịp khai giảng.
Ông Trần Văn Kim Nguyên, Phó hiệu trưởng, cho biết trường có tổng cộng hơn 1.900 học sinh với 45 lớp nhưng chỉ có 28 phòng học. Vì vậy, trong thời gian chờ đợi công trình hoàn thành, trường vẫn phải bố trí 17 lớp học vào buổi chiều cùng với hàng chục lớp học phụ đạo, chưa biết phải sắp xếp thế nào.
Theo ông Lê Hoàng Tươi, Giám đốc Sở GD-ĐT Hậu Giang, kế hoạch vốn chương trình kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 - 2012 chậm đã khiến cho nhiều công trình lớp học dở dang, gây lãng phí. Tính đến nay, Hậu Giang mới thực hiện xong 837 phòng/1.475 phòng học nằm trong chương trình. Riêng H.Long Mỹ đã có 338 phòng học đã được sử dụng từ 15 năm trở lên cần thay nhưng đều thiếu vốn để thực hiện. Ông Tươi cho biết: “Đến nay, tỉnh Hậu Giang đã tạm ứng và sử dụng hết vốn chương trình kiên cố hóa trường lớp của năm 2015 là 107 tỉ đồng”.
Tương tự, An Giang cũng đang trình xin UBND tỉnh bổ sung kinh phí để hoàn thiện các công trình xây dựng. Tại Trà Vinh, kinh phí đầu tư đề án xây dựng phòng học cho trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày và bán trú mới đạt 70%. Trà Vinh hiện chưa có trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, trong khi nhu cầu lại rất lớn.
Cũng vì thiếu kinh phí mà toàn vùng ĐBSCL hiện còn 140 xã chưa có trường mầm non độc lập, phải học chung với tiểu học, phòng học tạm vẫn còn nhiều.
|
Trường không điện, không nước, không sân chơi, không nhà vệ sinh
TP.Cần Thơ được xem là nơi có điều kiện giáo dục tốt nhất ở ĐBSCL nhưng năm học mới này cũng đầy khó khăn. Nhiều trường học nằm ngay trung tâm thành phố xuống cấp trầm trọng nhưng chưa thể xây dựng.
Trường TH Cái Khế 1 (đường Trần Phú) có 289 học sinh, mái trường, cột kèo đã mục nát, sân trường thấp nên mỗi khi mưa xuống hay triều cường dâng, sân trường lại ngập sâu. Tương tự, Trường TH Cái Khế 2 (đường Cách Mạng Tháng Tám) có 405 học sinh, chia thành 2 điểm học nằm trong cùng một con hẻm rộng chừng 1,5 m. Hiện cả 2 điểm học trên cũng đã xuống cấp trầm trọng, hễ triều cường là ngập, phòng học chắp vá, tạm bợ, không có sân chơi. Dự án Trường TH Cái Khế đã có hàng chục năm nay nhưng chưa thể triển khai vì khó khăn trong giải phóng mặt bằng và thiếu vốn.
Còn tại Kiên Giang, khó khăn lớn nhất là thiếu nhà vệ sinh. Tỉnh này có đến 73 điểm trường chưa có nhà vệ sinh, trong đó chủ yếu là các điểm trường mầm non và trường phổ thông. Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có hơn 1.800 điểm trường lẻ, vài phòng học nằm phân tán; trong đó nhiều nơi là những phòng học “4 không”: không điện, không nước, không sân chơi, không nhà vệ sinh.
Ngoài ra, một khó khăn khác của ngành giáo dục các tỉnh ĐBSCL trong năm học này là tình trạng vừa thiếu vừa thừa giáo viên. Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang, cho biết: “Năm học này Kiên Giang thiếu khoảng 1.000 giáo viên chủ yếu ở bậc mầm non, nhưng chỉ tiêu biên chế lại chỉ có 200 người nên Sở phải hợp đồng thêm để có đủ giáo viên giảng dạy”. Tại Đồng Tháp cũng đang thiếu khoảng 600 giáo viên tiểu học, THCS và mầm non nhưng lại thừa 170 giáo viên THPT.
Chấn chỉnh tình trạng lách hộ khẩu “chạy” trường Ngày 6.8, Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng tổ chức tổng kết năm học 2012-2013, triển khai nhiệm vụ năm học 2013-2014. Năm học vừa qua, thành phố vẫn trong tình trạng quá tải tuyển sinh ngoại tuyến, gây khó khăn cho việc triển khai dạy học ngày 2 buổi ở một số trường tiểu học (Thanh Niên đã thông tin về vấn đề này trong bài viết Lách hộ khẩu để “chạy” trường ngày 3.8). Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Anh, Phó chủ tịch UBND TP có ý kiến: “Tôi nghĩ về vấn đề này, phía lãnh đạo quận, hiệu trưởng các trường tiểu học chưa làm quyết liệt. Nếu cần, lãnh đạo quận, hiệu trưởng các trường nên đứng ra nhận trách nhiệm, nếu làm không tốt, còn để xảy ra tình trạng “chạy” trường gây quá tải, sẽ không được nhận nhiệm vụ nữa”. Diệu Hiền |
Đình Tuyển
Bình luận (0)