Ngổn ngang sau lũ

19/11/2013 03:15 GMT+7

Hôm qua tại Quảng Ngãi , sau nhiều ngày huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ nỗ lực tìm kiếm, đến chiều 18.11 mới tìm thấy thi thể chị Đinh Thị Híp (32 tuổi, ở xã Sơn Dung, H.Sơn Tây) bị vùi lấp dưới lớp đất đá. Lực lượng chức năng đang tiếp tục tìm kiếm thi thể anh Đinh Văn Lang (chồng chị Híp).

* Hội An gồng mình với “lũ”... bùn

Ngổn ngang sau lũ 1
Cảnh tan hoang sau lũ tại P.Nhơn Hòa, TX.An Nhơn, Bình Định - Ảnh: Văn Lưu

Trước đó, vào tối 15.11, mưa lớn làm ta luy đường bị sạt lở, đất đá đổ ập xuống ngôi nhà cuốn trôi vợ chồng anh Lang. Thời điểm này, 2 con trai của vợ chồng anh là Đinh Văn Trú (13 tuổi) và Đinh Văn Phong (10 tuổi) qua nhà hàng xóm chơi nên may mắn thoát chết.

Tại Bình Định, sự cố xói lở mố cầu Bình Định (thị xã An Nhơn) trên QL1A hôm qua đã được khắc phục, giao thông trên tuyến đường này đã thông suốt. Riêng tuyến đường sắt từ Diêu Trì - Quy Nhơn bị lũ cuốn trôi và xô lệch tại phường Nhơn Bình (TP.Quy Nhơn) vẫn chưa khắc phục được. Theo dự tính, đến hôm nay (19.11) khoảng 18.500 học sinh vẫn phải nghỉ học do nước lũ đang xuống rất chậm.

Trong khi đó tại Gia Lai, đến chiều qua nhiều điểm sạt lở trên QL19, đoạn qua đèo An Khê vẫn chưa khắc phục xong. Nếu tiếp tục có mưa lớn sẽ đe dọa việc lưu thông qua đèo bởi tình hình sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tại Quảng Nam, hôm qua người nhà cụ Phan Thị Lan (80 tuổi, trú khối phố 6, thị trấn Vĩnh Điện, H.Điện Bàn) xác nhận đã tìm thấy thi thể của cụ sau 2 ngày mất tích. Trước đó, vào tối 16.11, sau khi tránh lũ tại nhà con, cụ Lan tìm đường về nhà đã bị trượt chân và bị lũ cuốn trôi. Nhiều nơi thuộc huyện miền núi Nam Trà My hôm qua vẫn còn bị chia cắt do khối lượng đất đá sạt lở xuống các tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã quá lớn. Tại H.Tây Giang, tuyến đường dẫn vào các xã Gary, Ch’Ơm, Axan… bị gián đoạn do nhiều điểm sạt lở.

 Ngổn ngang sau lũ 2
Ảnh: Hoàng Sơn

Đáng nói là ở Hội An, hôm qua cả thành phố như một công trường khi người thì cầm cào, cầm xẻng xúc đất cát; người dùng máy phun nước cỡ lớn để “rửa” từng tuyến phố. Trong số các tuyến đường bị bùn “tấn công”, hai tuyến Châu Thượng Văn và Hùng Vương (đoạn nối Điện Bàn - Hội An) bị nặng nhất. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nước lũ bắt đầu rút từ sáng 17.11 nhưng với tốc độ rất chậm. Đến 14 giờ hôm qua nhiều khu vực trong khu phố cổ vẫn còn ngập.

Cứu trợ khẩn cấp ở Quảng Nam

Chiều 18.11, đoàn công tác Báo Thanh Niên đã phối hợp với Tỉnh đoàn Quảng Nam cứu trợ khẩn cấp cho các hộ dân xã Đại An (H.Đại Lộc). Đoàn đã trao 50 suất quà (1 triệu đồng mỗi suất) cho đại diện 50 hộ dân bị thiệt hại nặng nhất.

 Ngổn ngang sau lũ 3
Đại diện Báo Thanh Niên trao tiền hỗ trợ cho gia đình em Lê Ngọc Triều - Ảnh: An Dy

Đại Lộc là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề trong đợt bão lũ vừa qua của tỉnh, nhất là những khu vực Đại An, Đại Hưng, Đại Cường... Theo ông Trịnh Minh - Bí thư Đảng ủy xã Đại An, toàn xã có đến gần 2.000 ngôi nhà ngập sâu từ 1 đến hơn 2 m nước. Bà con chưa kịp khắc phục thiệt hại trong cơn bão số 11, với gần 600 ngôi nhà bị tốc mái một phần và tốc mái hoàn toàn thì giờ của cải lại ra đi theo dòng nước lũ.

Tại xã Đại Cường (H.Đại Lộc), đại diện Báo Thanh Niên cũng đã trao tiền hỗ trợ (5 triệu đồng) cho gia đình em Lê Ngọc Triều (18 tuổi) đã thiệt mạng trong cơn lũ vừa qua. Ba bị bệnh mất sớm từ khi em còn chập chững, gia đình neo người và rất khó khăn nên Triều phải đi chăn vịt thuê. Em đã bị nước lũ cuốn trôi khi đang cố lùa đàn vịt về.

5 gia đình có người chết và mất tích khác tại Quảng Nam (Báo Thanh Niên đã đưa tin) cũng đã được hỗ trợ kịp thời với 5 triệu đồng cho mỗi trường hợp.

An Dy

Thanh Niên

>> Hàng ngàn du khách phố cổ Hội An sơ tán khẩn cấp trong trận lũ lịch sử
>> Hốt hoảng chạy lũ
>> Người dân Bình Định trắng đêm chạy lũ
>> Nhiều nơi bị cô lập vì lũ lụt
>> 15 người chết do mưa lũ ở miền Trung
>> Quảng Ngãi: 2 người chết do mưa lũ
>> Mưa lũ ở miền Trung, Tây Nguyên sẽ phức tạp sau áp thấp nhiệt đới 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.