Ngổn ngang sau lũ trái mùa

18/04/2022 08:12 GMT+7

Hơn nửa tháng kể từ khi đợt lũ trái mùa tràn về, người dân bắc miền Trung vẫn đang loay hoay khắc phục thiệt hại.

Mùa vụ đắng

Giữa tháng 4, khi PV Thanh Niên có mặt tại thôn Mốc Thượng 1, xã Hồng Thủy (H.Lệ Thủy, Quảng Bình), bắt gặp nhiều người dân địa phương vẫn đang loay hoay đào xới cây trồng hư hại, hoặc trực canh để bơm nước ở các chân ruộng ngập sâu. Gia đình ông Trần Văn Nhật (66 tuổi, thôn Mốc Thượng 1) thiệt hại khoảng 3 tấn mướp đắng trong đợt lũ vừa qua, và vẫn chưa nguôi nỗi tiếc nuối số hoa màu sắp thu hoạch bị nước nhấn chìm. Gia đình ông Nguyễn Văn Ngọ (68 tuổi, thôn Mốc Thượng 1) cũng mất trắng 0,2 ha hoa màu, chưa kể hơn 1 ha lúa vẫn đang chìm trong biển nước hơn 10 ngày qua chưa biết có cứu vớt được không…

Người dân vùng ngập lụt Quảng Trị cấp tập “cứu lúa” đợt lũ trái mùa

THANH LỘC

Xã Hồng Thủy thuộc “diện” thiệt hại nặng nề nhất sau đợt lũ “lạ” vừa qua, với hơn 800 ha đất gieo trồng và hơn 2.000 hộ nông dân bị ảnh hưởng. Trong số đó, có 60 ha hoa màu và 300 ha lúa mất trắng, hơn 500 ha lúa nằm trong khu vực đê thượng nguồn vẫn đang trong tình trạng ngập nước, hơn 140 ha diện tích nuôi cá, tôm bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại ước tính gần 38 tỉ đồng.

Đáng chú ý, nhiều người dân cho hay khu vực đất trồng trọt của bà con thôn Mốc Thượng 1 nằm sát với khu vực đê thượng nguồn. Sau nhiều năm hứng chịu mưa lũ, người dân đã gửi đơn đến chính quyền địa phương hy vọng được nâng cao phần đê, tu sửa lại hệ thống cống và nối liền vào khu dân cư để hạn chế lũ tràn về. Nhưng rồi, do đê chưa được tu sửa, họ lại phải loay hoay chở cát đắp đê mỗi khi mùa lũ đến.

Hoa màu hư hại nặng do lũ ngâm lâu ngày ở H.Lệ Thủy, Quảng Bình

BÁ CƯỜNG

Ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy, cho biết những ngày qua cơ quan chức năng của tỉnh, huyện đã về địa phương kiểm tra tình hình thiệt hại và đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ, khắc phục lâu dài. “Sau lũ, xã hỗ trợ mỗi thôn 1,5 triệu đồng để thuê máy bơm tiêu úng. Xã cũng đang kiến nghị lên cấp cao hơn được chi ngân sách nâng cấp khu vực đê thượng nguồn, đáp ứng nguyện vọng của bà con”, ông Huấn nói.

Tính chuyện lâu dài

Tại Quảng Trị, trong 3 ngày (31.3 đến 2.4), cơn lũ trái mùa cũng đã khiến hơn 11.600 ha lúa bị ngập úng, đổ rạp, nguy cơ mất trắng; gần 3.100 ha ngô, hơn 2.100 ha hoa màu bị đổ ngã. Chưa kể hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, nhiều đoạn kênh mương nội đồng sạt lở... Tổng mức thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính gần 800 tỉ đồng. Nguồn thu nhập của người dân bị ảnh hưởng lớn, các hộ gia đình trong vùng ảnh hưởng đối diện nguy cơ thiếu lương thực, trước mắt là thiếu nguồn giống sản xuất vụ Hè thu sớm và Thu đông.

Đối diện một mùa vụ đắng

BÁ CƯỜNG

Tại cuộc họp bản phương án giúp người dân sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống sau mưa lũ tổ chức hôm 13.4, ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho rằng cần huy động mọi nguồn lực để đáp ứng nguồn giống. Ngoài nỗ lực của người dân, chính quyền địa phương, tỉnh Quảng Trị sẽ kiến nghị xin T.Ư hỗ trợ thêm cây, con giống và kinh phí để nâng cấp hệ thống thủy lợi. Theo ông Hưng, kinh phí khắc phục sau đợt lũ trái mùa lên đến gần 112 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ gần 37 tỉ đồng.

Chính quyền tỉnh Quảng Trị cũng đang xúc tiến với ngân hàng để có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất do thiên tai, dịch bệnh cho người dân. Về lâu dài, địa phương đặt vấn đề chuyển đổi sinh kế, mô hình sản xuất phù hợp với giai đoạn biến đổi khí hậu, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.