“Ngộ” ra mình mê thư họa
Nhìn vào các bức thư họa của ông, người ta có thể nhận ra ngay đó là nhân vật nào, ngắm nghía một hồi bỗng phát hiện bức chân dung được tác giả dùng chữ để biến hóa, sắp xếp mà thành.
Sinh ra ở Quảng Nam trong gia đình có truyền thống về nghệ thuật tuồng, nhưng từ nhỏ Lê Vũ đã muốn tự mình bước đi trên con đường riêng. Lê Vũ rất thích vẽ nên đã rong ruổi theo gánh hát của gia đình để vẽ áp phích, cảnh trí các vở tuồng cho thỏa đam mê. Gần 20 tuổi, Lê Vũ vào Nha Trang rồi lập nghiệp bằng nghề vẽ áp phích quảng cáo cho một rạp phim. “Được một thời gian, tôi phát hiện ra công việc chỉ lặp đi lặp lại, chẳng có gì thú vị. Nhiều lần ngồi trước khung vải với bút mực hay đống sơn dầu móp méo ngổn ngang, cứ vẽ vẽ, xóa xóa mà hổ thẹn với lòng. Dù vẫn sống được với nghề vẽ, nhưng trong tôi cứ canh cánh một điều là phải tìm một nét riêng cho mình”, họa sĩ Lê Vũ bộc bạch.
|
Năm 2000, Lê Vũ theo một đoàn văn hóa của tỉnh Khánh Hòa vào TP.HCM tham dự Hội chợ - Hội thảo - Triển lãm toàn quốc mang tên Triển vọng Việt Nam 2000-2010. Ông lang thang xem thư pháp và dừng lại trước bức tranh có chữ “Ngộ”, thể hiện chân dung Đức Phật với giọt nước mắt vô thường, nổi bật trên toàn bộ khuôn hình. Chính từ “Ngộ” đã khiến họa sĩ Lê Vũ “ngộ” ra một điều: cái hồn chữ Việt, ngoài thư pháp còn có một con đường nghệ thuật khác - thư họa, tức là dùng chữ để tạo hình ảnh.
Từ hôm gặp được chữ “Ngộ”, tâm trạng người họa sĩ cứ lâng lâng, bồng bềnh, cuối cùng cũng gợi mở một ý tưởng để đặt bút. Họa sĩ Lê Vũ nói: “Tôi thấy chữ “Ngộ” trong bức thư pháp đó đã đẹp lắm rồi, nhưng vẫn muốn tự vẽ một bức cho riêng mình. Mất nhiều ngày loay hoay, vẽ đi vẽ lại, cuối cùng tôi hoàn thiện được bức thư họa đầu tiên với chữ “Giác Ngộ”, thể hiện hoàn chỉnh chân dung Đức Phật. Khi tác phẩm hoàn thành, tôi hết ngồi rồi đứng, đi tới đi lui ngắm nghía, lâu lâu cười một mình thật... sướng!”.
Sau khi hoàn thành bức Giác Ngộ, họa sĩ Lê Vũ đã vẽ từ Từ Bi thể hiện chân dung Quan Thế m Bồ Tát và từ Bác Ái thể hiện chân dung chúa Giê-su. Cụm từ cao đẹp Giác Ngộ - Từ Bi - Bác Ái đã mở đầu cho cảm xúc về hàng hoạt chân dung danh nhân trong và ngoài nước được họa sĩ Lê Vũ thể hiện bằng thư họa về sau.
Công phu con chữ
Đến nay, họa sĩ Lê Vũ đã dùng chữ để tạo hình hàng trăm chân dung danh nhân. Có thể tìm thấy trong bộ sưu tập của Lê Vũ các bức thư họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn… hay Bill Gates, Leonardo da Vinci, Marilyn Monroe… Theo họa sĩ Lê Vũ, việc dùng chữ để vẽ chân dung không đơn giản. Trước khi đặt bút, người vẽ phải nghiên cứu kỹ lưỡng những nét chính của nhân vật, sau đó mới dùng từ (thường là tên của nhân vật) mà biến hóa, sắp xếp bố cục, sao cho những nét của chữ viết thể hiện rõ ràng gương mặt người đó.
Bức thư họa mà họa sĩ Lê Vũ thực hiện nhanh nhất là bức Phật Di Lặc, chỉ cần một lần phác thảo, rồi chấm mực, vẽ là xong ngay. Tuy nhiên, đa số các bức khác phải vẽ đi vẽ lại, mày mò thâu đêm suốt sáng mới hoàn chỉnh. Một trong những bức khiến họa sĩ Lê Vũ khổ sở nhất là tác phẩm Bồ Đề Đạt Ma. Ông nói: “Khi vẽ chân dung Bồ Đề Đạt Ma, người ta thường tập trung cái “thần” ở đôi mắt. Để thể hiện đôi mắt Đạt Ma sư tổ thì vẽ bình thường đã khó, vẽ bằng chữ còn khó hơn, vì không phải đưa chữ nào vào cũng được, chữ theo tên nhân vật phải là chữ đọc từ trên xuống dưới hay từ phải qua trái mới phù hợp và dễ đọc”. Từ khi có ý tưởng, các con chữ cứ lởn vởn trong đầu họa sĩ, ông cân nhắc tìm nét và phải mất gần chục ngày đêm vẽ vẽ, xóa xóa mới hoàn thành được bức thư họa này. Nét bút khi đậm khi nhạt, khi mềm mại khi cứng cáp đã vẽ nên cái thần thái của nhân vật, với chữ “Bồ” thể hiện đôi mắt; chữ “Đề” thể hiện mũi, miệng, râu; chữ “Đạt” là khăn trùm đầu và chữ “Ma” là phần áo quần.
Bức thư họa mà họa sĩ Lê Vũ trăn trở mãi mới đặt bút là chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tác giả lưỡng lự, nửa muốn vẽ Người vì lòng kính trọng, nửa lại e ngại vì sợ thư họa không đạt. Nhưng với tình cảm chân thành, tình yêu nghệ thuật trong sáng, họa sĩ Lê Vũ vẫn mạnh dạn thực hiện thư họa chân dung của Bác. Sau những nét bút, hình ảnh vị Cha già của dân tộc dần hiện lên. Bức thư họa này cùng nhiều bức thư họa về các nhân vật nổi tiếng thế giới được họa sĩ Lê Vũ giới thiệu đến công chúng trong năm 2001 tại Nha Trang. “Mới đầu tôi hơi lo lắng chờ đợi ý kiến của công chúng về các bức thư họa của mình. Tuy nhiên, hầu hết các tác phẩm đều được người xem tán thưởng nên tôi rất yên lòng, tiếp tục thể hiện niềm đam mê của mình”, họa sĩ Lê Vũ nói.
Nguyễn Chung
>> Hoa thư pháp
>> Cuộc thi vẽ tranh “Dinh dưỡng với tuổi thơ”
>> Học sinh thi vẽ tranh về biển, đảo
>> Thi vẽ tranh bảo vệ nguồn nước
>> Vẽ tranh kể chuyện... phở quát
Bình luận (0)