Ngón nghề tài hoa - Kỳ 5: Người cách tân gốm Việt

01/06/2013 03:45 GMT+7

Phá tung những diện mạo đã mặc định, Nguyễn Trọng Đoan là người mở đường cho gốm Việt đương đại với dòng gốm Đoan.

>> Ngón nghề tài hoa - Kỳ 4: Nhạc sĩ khiếm thị giữ tiếng đàn bầu
>> Ngón nghề tài hoa - Kỳ 3: Tranh chữ tạo hình danh nhân
>> Ngón nghề tài hoa - Kỳ 2: Thiên nhiên vẽ nên tranh

Lấy gốm truyền tải nỗi lòng

Nguyễn Trọng Đoan chọn khoa gốm khi theo học tại Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp. Ông hiểu gốm là con đường dành cho mình, bởi chỉ có gốm mới giúp ông truyền tải được hết những tình cảm. Một thời gian sau khi về công tác tại Viện Mỹ thuật (giờ là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), ông quyết định nghỉ hưu sớm chỉ vì muốn có nhiều thời gian tự do sáng tác hơn. Và việc đầu tiên ông làm là gom góp, vay mượn hai chỉ vàng để xây một lò gốm nhỏ. Những năm 1980, số tiền ấy lớn lắm, đủ mua một chiếc xe máy, nhưng ông vẫn quyết làm để được thỏa sức chơi với gốm.

 Ngón nghề tài hoa - Kỳ 5: Người cách tân gốm Việt 1
Họa sĩ Nguyễn Trọng Đoan - Ảnh: NV cung cấp

Lúc đó, chưa ai dám nghĩ đến việc làm mới gốm. Bởi gốm Việt đã có từ hàng ngàn năm, gần như định ra những ranh giới mà không ai dám vượt qua, phá vỡ. Nhưng nếu chỉ làm công việc sao chép hoặc bắt chước gốm cổ, thì Nguyễn Trọng Đoan cũng sẽ lẫn chìm như những cái tên khác. Câu nói của người bạn khiến ông suy nghĩ: “Nếu làm gốm kiểu đó thì một trăm năm sau người ta sẽ chẳng biết ông là ai. Người làm nghề là phải biết bộc lộ cá tính, nếu không cũng chỉ là người thợ”.  Vậy là, Nguyễn Trọng Đoan đã vứt bỏ tất cả những e ngại, dè chừng để được thực sự tự do cùng gốm. Ông trở thành người đầu tiên bước vào con đường điêu khắc gốm. Dám vượt qua những mặc định gắn với gốm trong suốt thời gian dài, ông đưa vào đó những tạo hình mỹ thuật hiện đại. Người nghệ sĩ như ông đã biết nhìn gốm không chỉ với mục đích sử dụng, mà còn để trang trí, khái niệm gốm nghệ thuật được vận dụng nhuần nhuyễn. Nguyễn Trọng Đoan cũng là người đầu tiên làm gốm mộc, mang đến màu sắc mới cho gốm. Không tráng men, ông sử dụng đất để tạo màu cho gốm. Với hai loại đất đỏ và đất trắng, Nguyễn Trọng Đoan đã khám phá ra cả thế giới màu sắc. Chỉ cần thay đổi tỷ lệ hai loại đất, ông có thể tạo ra nhiều màu sắc khác nhau. Gốm Đoan đã tạo được sự khác biệt, không trộn lẫn với tông màu trầm mộc, thô nhưng cũng rất tinh.

Lẽ thường trên mọi con đường sáng tạo nghệ thuật, những thứ mới ít khi được chấp nhận ngay. Trong triển lãm đầu tiên cùng họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vào năm 1989, tác phẩm gốm của Nguyễn Trọng Đoan nhận không ít lời ra tiếng vào: “lọ gì mà không có cổ”, “hình dáng gì mà quái dị thế”, “họa tiết cũng chẳng ra kiểu gì”… Nhưng cũng có nhiều người, trong đó có những vị khách nước ngoài, đã vô cùng thích thú khi nhìn thấy gốm với diện mạo lạ mắt.

 Ngón nghề tài hoa - Kỳ 5: Người cách tân gốm Việt 2
Tác phẩm điêu khắc gốm Gà ấp trứng -  Ảnh: NV cung cấp

Không muốn xa gốm

Ngôi nhà nhỏ của Nguyễn Trọng Đoan đầy chật những gốm là gốm. Trong nhà hết chỗ, ông để gốm cả ở ngoài sân. Vậy mà vẫn chưa đủ, ông còn mang gửi ở gallery của bạn. Ở Nguyễn Trọng Đoan có một điều lạ, ông không bao giờ muốn bán gốm đi. Ông có thể bán tranh khắc để nuôi gốm, chứ không bao giờ muốn xa gốm. Một lần, vì điều kiện kinh tế, phải bán đi chiếc bình gốm mà sau đó ông cứ ân hận mãi. “Mỗi một tác phẩm giống như một đứa con, tôi chả muốn xa đứa nào”. Ông thấy may mắn hơn nhiều nghệ sĩ khác, vì giữ lại được những đứa con của mình, nên cuối đời không cảm thấy bị trống trải.

Ông không muốn xa gốm bởi gốm Đoan chỉ có một bản duy nhất. Ngay cả đến hoa văn trên gốm cũng không lặp lại. Vì vậy, mỗi tác phẩm không khác gì một đứa con được ông nhào nặn bằng tất cả trí lực và tâm hồn. Ông kể, không biết bao lần ông đập gốm đi vì làm hỏng gốm. Có người thấy tiếc ngỏ ý muốn mua lại những bản gốm ấy nhưng ông không đồng ý: “Khi linh hồn, cảm xúc tôi xấu xí, tôi không muốn ai nhìn thấy nữa”. Trong con mắt của nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân: “Gốm của Nguyễn Trọng Đoan gây được cái ấn tượng quý và độc bản, không hàng loạt, không lặp lại người khác và cả chính mình”.

Có người nói ông bảo thủ, giữ khư khư gốm bên mình chẳng chịu chia sẻ với ai, mà có hàng trăm tác phẩm bán đi vài cái thì có thấm tháp vào đâu, cuộc sống lại thêm phần dư dả. Nguyễn Trọng Đoan bảo ông không có nhiều tiền, nhưng dù thế nào cũng không muốn bán gốm để sống. Đến giờ, cuộc sống của ông vẫn bình dị như bao năm qua.

Đã hơn 70 tuổi, sức khỏe không còn nhiều như thời trẻ để mê mải với gốm, đôi khi ông cảm thấy buồn vì lực bất tòng tâm. “Tôi vẫn còn nhiều ý tưởng lắm, có những cách làm gốm hoàn toàn mới mà chưa làm được”, giọng ông trầm xuống. Rất ít nghệ sĩ theo gốm, trong đó không phải ai cũng tạo ra được dòng gốm riêng của mình như gốm Đoan đã làm, vì không phải ai cũng hiểu được: “Người làm gốm cần có tình yêu, am hiểu rộng về những trường phái mỹ thuật, để đi vào những khoảng trống ở giữa. Nếu không họ chỉ biết giẫm lên chân người khác hoặc cố vượt người trước nhưng không thể vượt được”. 

“Bằng nghiêm khắc trong lao động, lặng lẽ, Nguyễn Trọng Đoan nói được một điều: nghề gốm Việt Nam chưa cạn, bí mật của đất và lửa trong con mắt và bàn tay người Việt như vẫn còn nguyên”.

Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân

“Nguyễn Trọng Đoan là người giữ vai trò cách tân mạnh mẽ nhất của gốm Việt Nam thời kỳ hiện đại”.

Ann Protor - chuyên gia lịch sử nghệ thuật, giảng viên trường Nghệ thuật quốc gia Sydney, Úc.

Minh Ngọc 

>> Bức tranh gốm Việt trên đất Pháp
>> Thích thú “Sắc màu gốm Việt”
>> Tinh hoa gốm Việt
>> Vinh danh tinh hoa gốm Việt
>> Dặm dài đất nước qua gốm Việt cổ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.