Ngôn ngữ quan trọng thế nào đối với trẻ?

05/04/2021 16:23 GMT+7

Ngôn ngữ là “công cụ” giúp trẻ biểu đạt cảm xúc, tuy nhiên ở mỗi độ tuổi trẻ sẽ có năng lực ngôn ngữ và cách biểu đạt khác nhau. Ngôn ngữ cũng được xếp vào top 5 những kỹ năng hàng đầu của con người.

Cụ thể, tại hội thảo Đánh thức ngôn ngữ cảm xúc - Khám phá và đánh thức ngôn ngữ đa dạng của trẻ trong thời đại số do The Edu House tổ chức tại TP. Thủ Đức ngày 4.4 nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng ngôn ngữ là một trong những kỹ năng rất quan trọng với trẻ.

Ngôn ngữ là phương tiện để trẻ nói lên cảm xúc của mình

Cụ thể, theo thạc sĩ Nguyễn Thuý Uyên Phương, Giám đốc sáng lập FAROS Education & Consulting giữa ngôn ngữ và cảm xúc có mối quan hệ rất chặt chẽ với trẻ nhỏ. Ngôn ngữ chính là phương tiện để trẻ nói lên cảm xúc của mình, một đứa trẻ biết cách bày tỏ cảm xúc, biết nói con đang vui hay đang buồn thường có xu hướng trở nên tự tin, hoạt bát và năng động hơn so với những đứa trẻ không biết dùng lời nói để bày tỏ nỗi lòng.
“Trong bảng xếp hạng những kỹ năng hàng đầu do Diễn đàn kinh tế thế giới đưa ra hàng năm, thì gần như trong 5 năm trở lại đây thì trí thông minh cảm xúc luôn nằm trong top 5. Khi công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo ra đời, có thể thay thế con người ở rất nhiều lĩnh vực, duy chỉ có cảm xúc là không bao giờ thay thế được, do đó, chúng ta có thể không dạy cho con nhiều thứ nhưng không thể quên giúp con trau dồi trí thông minh cảm xúc, thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương nói.
Bà Phương chia sẻ có một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ chuyên nghiên cứu về lĩnh vực thông minh cảm xúc tên là Casel đã sáng tạo ra mô hình bánh xe gồm 5 phần nhỏ, tương ứng với 5 năng lực của trí thông minh cảm xúc.
Đầu tiên là khả năng tự quan sát cảm xúc của bản thân. Nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được, đặc biệt với trẻ nhỏ, vì con chưa đủ khả năng để nhận biết cảm xúc mình đang có là vui hay buồn hay tức giận, trẻ không biết cách mô tả cho ba mẹ biết do thiếu vốn từ. Và khi trẻ không thể nói lên cảm xúc của mình thì sẽ cáu kỉnh, ném đồ đạc, vì trẻ thiếu ngôn ngữ đề truyền đạt cảm xúc của mình nên phải dùng hành động để biểu lộ, gây sự chú ý. Nên việc đầu tiên phụ huynh cần làm là dạy con quan sát và mô tả cảm xúc của mình.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thuý Uyên Phương cho rằng ngôn ngữ là phương tiện rất quan trọng để trẻ biểu đạt cảm xúc của mình

Nam Nguyễn

Thứ hai là khả năng điều hòa, điều tiết cảm xúc, nhất là những cảm xúc khó chịu. Và cách tốt nhất để vượt qua cảm xúc khó chịu đó là tạo khoảng lặng. Ba mẹ có thể dạy con bằng cách sử dụng một bình kim tuyến, khi con khó chịu có thể mang bình đó ra để chơi, và nhìn những hạt kim tuyến rơi, đó là cách tạo khoảng lặng để con có thể điều tiết lại cảm xúc.
Thứ ba là khả năng quan sát cảm xúc của người khác. Ngày nay, trẻ được yêu thương và chiều chuộng quá nhiều nên thiếu đi sự chú ý và quan tâm đến những người xung quanh, do đó, ba mẹ cần dạy con cách nhận biết cảm xúc của mọi người để từ đó có sự ứng xử phù hợp.
Thứ tư là sự tương tác, kết bạn, kết giao với người khác. Đó là những kỹ năng giúp trẻ giao tiếp như việc trẻ muốn chơi đồ chơi với bạn thì cần chia sẻ, nói chuyện sao để được bạn cho chơi cùng.
Cuối cùng là khả năng đưa ra những lựa chọn có trách nhiệm, đó là khi trẻ nhận biết được cảm xúc của mình, nhận biết được cảm xúc của người khác nhưng đôi lúc nhu cầu của hai bên sẽ không giống nhau. Chẳng hạn mẹ bắt ăn cơm, nhưng trẻ lại không muốn ăn, thì con cần chia sẻ rằng con không thích ăn cơm nhưng vẫn tôn trọng và cám ơn mẹ đã nấu cho con ăn, và ba mẹ có thể thỏa hiệp với con bằng cách sẽ dẫn con đi ăn món con thích vào một ngày thích hợp nào khác. Lúc này, trẻ cần nói lên nhu cầu của bản thân và biết cách lựa chọn những quyết định phù hợp, như việc đồng ý ăn cơm và sẽ đi ăn món mình thích vào lúc khác.
Tương tự, là người làm việc trong ngành truyền thông, marketing, thạc sĩ Thi Anh Đào, Giám đốc điều hành Isobar Vietnam, Đồng sáng lập Học viện YES, một trong 30 gương mặt trẻ nổi bật của Việt Nam do tạp chí Forbes bình chọn năm 2016 cũng cho rằng ngôn ngữ không chỉ là phương tiện để biểu đạt cảm xúc mà còn để xây dựng nên cảm xúc thông qua những bài viết hay đoạn quảng cáo, do đó, ngôn ngữ có vai trò vô cùng quan trọng để giúp chúng ta bày tỏ cảm xúc của bản thân và kết nối cảm xúc với những người xung quanh.

Làm sao để con phát triển được ngôn ngữ trong thời đại công nghệ?

Tham gia buổi hội thảo nhiều phụ huynh đặt ra câu hỏi, làm cách nào để phụ huynh giúp con phát triển ngôn ngữ trong bối cảnh trẻ tiếp xúc nhiều hơn với các thiết bị số, để từ đó giúp con trau dồi, phát triển trí thông minh cảm xúc của bản thân?
Theo bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, trong thời đại số, trẻ em tiếp xúc với công nghệ, thiết bị điện tử nhiều hơn nên dường như trẻ cũng hạn chế về ngôn ngữ giao tiếp hơn, nhẹ thì con nói ngọng, không đủ vốn từ để diễn đạt, nói chậm so với các bạn, nặng thì trẻ có thể mất khả năng về học tập như sự tập trung, chú ý hay tăng động nhẹ, khó gần, bạo lực...
Trẻ học nói bằng cách lắng nghe những âm thanh xung quanh để bắt chước, do đó, khi con đang bắt đầu tập nói, một trong những kỹ năng đơn giản ba mẹ cần làm đó là hãy nói với con một cách chậm rãi và nhấn vào những khái niệm quan trọng một cách có chủ đích. Đặc biệt, nhiều phụ huynh thấy con nói ngọng cũng nói ngọng cùng con, dễ khiến trẻ càng phát âm sai do ở giai đoạn này trẻ chỉ tiếp thu và bắt chước. Ba mẹ nói chuyện với con càng nhiều, vốn từ của con sẽ càng tăng.
“Có một khảo sát của các chuyên gia về những đứa trẻ trong gia đình được ba mẹ quan tâm, thường xuyên nói chuyện và những đứa trẻ trong các gia đình ba mẹ ít nói chuyện cùng thì cho kết quả rất đáng ngạc nhiên, đó là khi lên tiểu học, hai nhóm trẻ này chênh nhau đến 10 ngàn từ. Khi không có vốn từ vựng thì sẽ rất khó tiếp thu bài học ở trường do chủ yếu chỉ đọc và viết”, bà Phương nói.
Cách tốt nhất chính là đồng hành cùng con, giúp con hứng thú với việc đọc và viết. Đơn giản như ba mẹ đọc sách cùng con, hoặc khi con viết đừng vội chê bai con viết xấu mà nên khuyến khích con để con hào hứng hơn khi đọc hay viết.
Là thành viên sáng lập nên Học viện YES, thạc sĩ Thi Anh Đào cho rằng phụ huynh cần đồng hành và theo sát con trên hành trình phát triển ngôn ngữ và không chỉ kéo dài khi con đã biết chữ mà cả khi con đã bước vào tuổi teen hay khi trưởng thành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.