Trong đó, giản dị nhất có lẽ là món khoai mì luộc nóng hổi ăn cùng những miếng dừa già ngọt lịm, hay món bánh tráng mì cuốn đâu dính đó, cũng có thể là tô bún mì thoảng hương thơm phức một góc phố quê... Nhưng vừa dân dã vừa kỳ công hơn cả có lẽ là món bánh khoai mì nướng.
Bánh khoai mì được tổng hợp từ các nguyên liệu: bột lọc khoai mì tươi, đậu xanh, sữa, đường, dừa. Bột khoai mì vừa lọc được cho vào nồi chứa đậu xanh đã quết hoặc xay nhuyễn, hòa với nước cốt dừa, tùy khẩu vị mà thêm đường, sữa, một ít muối để vừa miệng. Tiếp đó, đánh thật đều hỗn hợp trên rồi đổ vào khuôn. Sau cùng, đặt những khuôn bánh vào lò nướng hoặc lò vi sóng, nếu nướng bằng than phải khéo léo để bánh chín đều.
Khi nướng, bánh đổi sang màu vàng cam cũng là lúc có thể ngửi thấy mùi thơm dịu nhẹ, thoang thoảng của bánh. Ngay khi vừa ra lò, cắn một miếng, sẽ cảm nhận được vị ngọt bùi, độ mịn dẻo vừa phải của bánh, thấp thoáng mùi thơm của dừa, một chút của đậu xanh và mì, tạo cho ta cảm giác như đang trở về với những hồi ức gần gũi, những cánh đồng quê yên bình...
Ở nhiều địa phương thuộc tỉnh Bình Định, cây mì như cây lúa thứ hai. Đến mùa thu hoạch, gần như nồi cơm nhà nào cũng có vài ba khúc khoai mì được hấp chung. Chính từ những năm tháng ăn mãi một món, một vị nên người nông dân đã kết hợp các nguyên liệu để tạo ra món mới, lạ miệng, hấp dẫn hơn là bánh khoai mì.
Bây giờ, bánh khoai mì nướng đã đa dạng hình dáng, kích cỡ hơn trước và thường được dùng làm món tráng miệng trong những bữa ăn gia đình, tiệc giỗ, hoặc biếu làm quà quê. Tùy vào thời tiết, bánh có thể giữ được từ 3 đến 4 ngày.
Cây mì và những sản phẩm từ nó đã gắn bó với không biết bao thế hệ tuổi thơ lớn lên ở vùng đất Hoài Nhơn. Chính thế mà không ít trái tim bất chợt dấy lên một nỗi nhớ da diết khi vừa nhìn thấy những chiếc bánh khoai mì nướng thân quen được gửi từ địa chỉ mang tên quê nhà...
Minh Úc
Bình luận (0)