Đơn giản thì xắt mỏng xào với trứng, nấu canh với thịt bò, cầu kỳ hơn là nhồi thịt vào bụng khổ qua đem nấu canh. Ở thôn quê, bên những mâm cơm trong những ngày giỗ chạp hiếm khi vắng bóng món canh này.
Khi nấu canh khổ qua, để giảm bớt vị đắng, một số người nêu kinh nghiệm là khổ qua sau khi bỏ ruột nên ngâm vào thau nước muối pha loãng khoảng mươi phút. Nấu món canh này, có nơi người ta để nguyên trái nhồi thịt vào, nhưng cũng có nơi cắt khổ qua thành 2-3 khúc. Thịt được nhồi vào ruột khổ qua là thịt heo.
Tuy nhiên để món canh được ngon hơn, ngoài thịt heo có thể cho thêm vào những sợi nấm mèo xắt nhỏ và trộn chung với hành tím, tiêu, bột ngọt, muối. Muốn nước canh được trong, khi nước sôi mới cho khổ qua vào và nhớ không đậy nắp. Canh khổ qua vừa chín tới mới ngon, nếu chín quá khổ qua sẽ bị vỡ, thịt bung ra cùng nước. Lúc múc canh ra tô, rắc lên trên ít hành ngò để canh có mùi thơm.
Ngày xưa kinh tế còn khó khăn, canh khổ qua là món chủ lực và cũng chỉ có trong những bữa cỗ mà thôi, ngày thường hiếm khi được ăn. Giờ đây, cuộc sống khấm khá hơn nên theo đó bát canh khổ qua cũng thường có mặt trong những bữa ăn hằng ngày. Mỗi khi đi làm về, người đang mệt mỏi mà được nếm bát canh khổ qua thơm ngọt thì không còn gì sảng khoái bằng...
Hòa Nhơn
Bình luận (0)