‘Ngọt ngào đến mấy cũng tan thành mây’, theo môn hóa học nghĩa là gì?

07/09/2022 11:34 GMT+7

'Ngọt ngào đến mấy cũng tan thành mây', những ngày qua không ít người ngân nga câu hát do Lương Bích Hữu thể hiện trong một gameshow. Bên cạnh âm nhạc, có một góc nhìn thú vị từ môn hóa học với câu hát này.

'Ngọt ngào đến mấy cũng tan thành mây" câu hát càng được lan tỏa nhờ giọng hát của Lương Bích Hữu

v.c

"Ngọt ngào đến mấy cũng tan thành mây" là câu hát quen thuộc trong bài Xem như em chẳng may từng được Chu Thúy Quỳnh thể hiện. Tuy nhiên trong một gameshow gần đây, Lương Bích Hữu thể hiện lại trong một bản phối khác cực chất khiến nhiều người mê mệt. Từ đó, câu hát này còn được lan tỏa rộng rãi hơn nữa.

Ngọt ngào đến mấy cũng có thể tan thành mây được không? Hiện tượng này có thể giải thích như thế nào ở góc độ môn hóa học?

Thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên hóa học Trường THPT Nguyễn Hiền, Q.11, TP.HCM, cho hay đây là hình tượng hoá cho phản ứng hoá học của đường và H2SO4 đặc.

“Axit sunfuric đặc (H2SO4) háo nước nên sẽ lấy đi 11 phân tử nước (H2O) trong tinh thể đường C12H22O11 (ngọt ngào), sinh ra carbon C (màu đen) sau đó C tiếp tục tác dụng với H2SO4 đặc (tính oxi hóa mạnh) tạo ra khí CO2 và SO2 dạng khói bốc lên. Vậy là ngọt ngào đến mấy cũng tan thành mây”, thạc sĩ Phạm Lê Thanh nói.

Ngọt ngào đến mấy cũng tan thành mây, giải thích theo môn hóa

phạm lê thanh

Thầy Phạm Lê Thanh cho biết thêm phương trình hóa học cho hiện tượng này thể hiện như sau: H2SO4 + C12H22O11 → 12C + 11H2O

và C + 2H2SO4 đặc → CO2 + 2SO2 + 2H2O

Câu chuyện lý giải “ngọt ngào đến mấy cũng tan thành mây” ở góc độ môn hóa học được thầy Phạm Lê Thanh mang đến cho học trò trong giờ hóa học kỳ 2 năm học 2021-2022.

"Trong bài học về axit sunfuric đặc, để nhấn mạnh tính háo nước đặc trưng của H2SO4 tôi đã lấy ví dụ về lời bài hát này cho học sinh dễ nhớ hiện tượng thí nghiệm và khắc ghi kiến thức", thầy giáo cho hay.

Trẻ trung, năng động, kiến thức phong phú, lối giảng dạy gần gũi với học trò, thầy Phạm Lê Thanh mang thơ ca, vè, chuyện kể, phim hoạt hình, các bài hát đang “trend”, được giới trẻ yêu thích… lồng ghép kiến thức môn hóa học để học trò luôn hứng thú với môn học.

Thầy Thanh và các học trò

nvcc

Ví dụ trong bài học về mưa axit, thầy Thanh cho học trò nghe ca khúc "Em gái mưa" của Hương Tràm mở đầu, rồi dẫn dắt vào hiện tượng mưa axit thế nào, vì sao có mưa axit, cách hạn chế mưa axit ra sao.

Để học trò nhớ lâu về sắt, thầy Thanh sưu tầm bài vè để trò đọc thuộc Ve vẻ vè ve/ nghe vè về sắt/ trong vỏ trái đất/ kim loại thứ hai/ nhắc cho những ai/ thường hay hoa mắt/ bổ sung viên sắt/ bạn sẽ đỡ ngay…

Hay giải thích hiện tượng làm sao muỗi đánh hơi thấy con người và tới chích, thầy Phạm Lê Thanh còn đồ họa mô hình hướng dẫn trò tự tạo ra được bẫy chống muỗi từ đường nâu, giấm ăn, bột baking soda, vỏ chai.

Muỗi đánh hơi thấy con người cũng như các động vật khác qua khí CO2. Khi chúng ta thở, muỗi sẽ phát hiện. “Trong bẫy muỗi, ta cho phản ứng sinh ra khí CO2, muỗi sẽ đánh hơi, bay vào bình. Dung dịch đường có tính kết dính khiến muỗi không bay ra được”, thầy giáo lý giải.

Thầy Phạm Lê Thanh và học trò trong giờ làm thí nghiệm

nvcc

Hóa học là cuộc sống. Là những gì xung quanh ta mỗi ngày chứ không phải chỉ có những công thức, tính toán. Tôi luôn muốn các học trò có nhiều cảm hứng với môn học thú vị này. Điều ấy luôn thôi thúc tôi cập nhật kiến thức mỗi ngày, giỏi tiếng Anh, tin học, sáng tạo ra những bài giảng sinh động để học trò luôn say mê suốt 45 phút trong tiết học của tôi”, thầy giáo giải thích “Ngọt ngào đến mấy cũng tan thành mây” ở góc độ hóa học bộc bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.