Ngư dân bị đánh suốt 2 tháng: Tưởng chết khi họ xem đó là thú vui, ép tôi ăn cá sống

18/12/2022 12:23 GMT+7

Ông Trương Văn Trung kể rằng, trong khoảng 2,5 tháng ông bị hành hạ trên tàu cá là chuỗi ngày ''thừa sống, thiếu chết'', các vết thương lở loét, hôi thúi, người ngồi gần không chịu nổi...

Ngày 18.12, ông Trương Văn Trung (47 tuổi, thường trú ấp 18, xã An Minh Bắc, H.U Minh Thượng, Kiên Giang) - nạn nhân trong vụ bị hành hạ bằng kìm trên tàu cho biết, sức khỏe của ông hiện tạm ổn và ông được công an cho về nhà nhiều ngày nay.

Ông Trung thời điểm ở Công an H.Trần Văn Thời để phục vụ điều tra

Gia đình cung cấp

"Sau 2 tuần trú tại cơ quan Công an H.Trần Văn Thời để phục vụ điều tra thì tôi được cho về nhà. Giờ tôi chỉ mong pháp luật trừng trị những người hành hạ tôi dã man nhiều tháng trên tàu cá với nhiều lần thừa sống, thiếu chết", ông Trung nói.

Lời kể của ngư dân bị hành hạ suốt 2 tháng trên tàu cá

Bị hành hạ tưởng chết

Ông Trung kể, trong chuyến đi biển công cho tàu cá của bà Phạm Thị Hà (chủ tàu cá BT 97993-TS -PV), có khoảng 1,5 tháng đầu ông không bị đánh; 2,5 tháng còn lại ngày nào cũng bị đánh. Lý do họ đánh ông là vì ông làm chậm chạp. Đến khi những người tham gia đánh ông nghĩ rằng ông sẽ chết nên cho ông quá giang tàu hàng vào đất liền để điều trị vết thương.

"15 năm đi làm ngư phủ, tôi chưa từng lội biển gỡ phao bị rối, nhưng Nguyễn Công Toàn (thường gọi là To, tài công, con chủ tàu cá - PV) hôm đó kêu tôi lội, tôi không chịu thì To đạp tôi xuống biển. Bị đạp xuống biển, tôi lội đi gỡ phao rối, xong quay lại tàu cá thì mọi người trên tàu không kéo tay tôi lên mà nắm đầu tôi kéo lên rồi thi nhau đánh tôi. Cũng từ đó về sau, họ hành hạ tôi như là thú vui của họ", ông Trung kể về lần đầu bị đánh.

Nạn nhân Trung kể tiếp: "Kể từ lần đầu bị đánh đó, đến ngày tôi quá giang tàu hàng vào bờ thì ngày nào tôi cũng bị đánh. Họ không đánh sáng thì đánh trưa, không trưa thì tối. Họ đánh bằng bất cứ cái gì có trên tàu, từ roi đuôi cá đuối, xẻng, vỏ xe đến dây thừng... nhất là họ nhậu say thì cứ lôi tôi ra đánh. Thậm chí, khi mấy tàu cá cặp lại nhậu, ngư phủ tàu khác cũng vào vô đánh tôi. Có những lần tôi bị dùng roi cá đuối đánh, máu chảy đỏ cả người. Bị đánh chết đi sống lại mà không thể kêu cứu. Có hôm tôi quỳ van xin những họ vẫn cứ đánh".

Ông Trung cũng kể về lần cuối bị đánh: "Hôm đó, họ đổ nước sôi lên người tôi, dùng kìm bẻ răng, bẻ ngón tay. Chưa dừng lại, họ bắt tôi nằm xuống rồi dùng roi cá đuối quất tới tấp, máu chảy đỏ cả người tôi. Do vết thương cũ chồng lên vết thương mới kéo dài khiến và trận đòn chí tử hôm đó mọi người nói tôi 7 phần chết, 3 phần sống nên họ cho tôi vào đất liền điều trị".

Ông Trung cũng cho biết, khi đó, ai ngồi gần ông chừng 1 m là không chịu nổi vì mùi hôi thúi từ những vết thương chằng chịt trên cơ thể bị nhiễm trùng, lở loét. Vào bờ, ông phải đi điều trị vết thương khoảng 1,5 tháng.

Diễn biến mới vụ ngư dân bị hành hạ bằng kìm trên tàu cá

Ăn cơm bằng đồ dùng cho chó và bị ép ăn cá sống

Trên tàu cá, ngoài việc lựa cá, phụ ngư phủ khác ướp cá thì ông còn nhận nhiệm vụ nấu cơm. "Hằng ngày, khi tôi nấu cơm xong, dọn ra thì họ bắt tôi đi chỗ khác ngồi, khi nào họ ăn xong thì mới tới lượt tôi ăn. Nhưng họ lại đổ cơm vào thau dùng để cho chó ăn, không được rửa sạch, bắt tôi phải ăn. Có khi, họ bắt tôi nhịn đói 1- 2 ngày, may là họ cho tôi uống nước cầm hơi", ông Trung nhớ lại.

Kinh hoàng, ông Trung thuật lại: "Tài công tên To bắt tôi ăn cá sống, không ăn thì đánh tôi. Khi tôi ăn mới nửa con là nôn ói không thể ăn tiếp nhưng To đá vô ngay chứng thủy gục đầu tại chỗ rồi tạt nước cho tôi tỉnh lại bắt ăn tiếp. Do bị đánh đau quá, tôi cố gắng ăn. To bắt tôi ăn cá sống 2 lần, lần đầu 6 con, lần thứ 2 là 11 con cá mắt lộ".

Ước mơ có căn nhà che mưa, che nắng

"Giờ tôi sợ lắm, không đi biển nữa. Hơn nữa, sức khỏe của tôi hiện tại không thể đi biển tiếp tục. Tôi chỉ mong ước mình có căn nhà che mưa, che nắng, có ít vốn để mở tiệm tạp hóa nhỏ buôn bán sống qua ngày", ông Trung nói.

Ông Trung cho biết, nhà có 5 anh em, ông là con lớn. "Lúc mới sinh, tôi có cái bớt màu đỏ ở chân, sau đó bớt này thường xuyên bị chảy máu. Gia đình đưa đi chạy chữa khắp nơi, bệnh có tình có đỡ hơn nhưng để bị di chứng, chân yếu đi. Chưa hết, năm 19 tuổi, tôi làm thuê cho chủ máy tuốt lúa, bị hạt lúa văng trúng mắt, phải múc con mắt trái để cứu con mắt còn lại nên đeo mắt giả", ông Trung nhớ lại.

Anh Huỳnh Văn Kép, em trai anh Trung, tiếp Lời: "Từ lúc anh Trung bị bệnh cái chân rồi tới hư con mắt, ba mẹ tôi phải bán lần lượt 31 công đất để có tiền chạy chữa. Ba tôi mất hơn 10 năm, mẹ bán vé số, nhặt ve chai để có tiền đắp đổi qua ngày, mua thuốc uống vì mắc bệnh bướu tim hơn 30 năm nay. Nhưng thời gian gần đây mẹ tôi bệnh yếu hơn, không thể đi bán vé số được nên hoàn cảnh gia đình rất khó khăn".

Ông Trung lập gia đình và có 2 người con nhưng ông và vợ chia tay hơn 20 năm. Con trai sống cùng ông, con gái theo mẹ. Con trai ông cũng đi theo tàu cá làm ngư phủ. "Mặc dù con tôi biết việc tôi bị hành hạ nhưng hiện cháu chưa vào bờ được do tàu cá còn đánh bắt ngoài biển", ông Trung nói.

Bà Dương Thúy Hằng, Chủ tịch UBND xã An Minh Bắc, H.U Minh Thượng (Kiên Giang), cho biết: "Hoàn cảnh của ông Trung hiện rất khó khăn, không có đất ở, ông phải ở cùng mẹ là hộ cận nghèo, mà mẹ thì bệnh không thể đi bán vé số như trước đây".

Theo anh Kép, khi ông Trung đến cửa biển Sông Đốc làm ngư phủ, một người ở địa phương này nhận làm con nuôi. "Từ đó, anh Trung rất ít về nhà. Thời gian anh Trung bị hành hạ vào bờ điều trị thì ở nhà người bố nuôi. Dù quanh năm sống ngoài biển khơi nhưng tiền công của Trung cũng chỉ đủ nuôi thân. Có lần tôi xuống thăm, phải cho tiền anh ấy xài. Gia cảnh mấy anh chị em đều khó khăn nên không thể giúp gì cho anh ấy được".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.