Ngư dân chật vật ra khơi

22/02/2022 06:43 GMT+7

Giá xăng dầu liên tục tăng cao khiến các ngư dân đánh bắt cá trên biển đang lâm vào cảnh khó khăn, chật vật, nhiều tàu công suất lớn không thể ra khơi.

Chi phí tăng vọt

Ông Phan Văn Hải, Chủ tịch Hội Nghề cá Quỳnh Lập (TX.Hoàng Mai, Nghệ An), cho biết chi phí nhiên liệu quá cao trong khi giá hải sản vẫn thấp do việc xuất sang Trung Quốc gặp khó nên các chủ tàu đang “sống dở chết dở”. Ông Lê Tiến Hải, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Thạch Kim (H.Lộc Hà, Hà Tĩnh), thông tin toàn xã có khoảng trên 100 tàu thuyền công suất lớn nhưng nay chỉ có 50% hoạt động, còn lại neo bờ bởi tàu cá về bị lỗ nặng, thu không bù chi nên chủ thuyền tạm thời nghỉ đi biển cho đến khi giá xăng dầu giảm xuống.

Giá xăng dầu liên tục tăng cao khiến ngư dân Kiên Giang gặp nhiều khó khăn trong việc ra khơi đánh bắt

XUÂN LAM

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết giá dầu tăng ảnh hưởng đến gần 6.000 tàu cá (chiều dài trên 6 m) của tỉnh, trong đó có hơn 3.200 tàu cá chuyên đánh bắt xa bờ. Ông Nguyễn Văn Sen (chủ tàu cá ở P.Hoài Thanh, TX.Hoài Nhơn, Bình Định) nhẩm tính: “Mỗi tàu cá của tôi ra khơi 1 tháng tốn bình quân khoảng 6.000 - 7.000 lít dầu, với giá dầu hiện nay thì chi phí 1 chuyến biển tăng hơn so với trước kia từ 30 - 40 triệu đồng”.

Mỗi tàu cá của tôi ra khơi 1 tháng tốn bình quân khoảng 6.000 - 7.000 lít dầu, với giá dầu hiện nay thì chi phí 1 chuyến biển tăng hơn so với trước kia từ 30 - 40 triệu đồng

Ông Nguyễn Văn Sen (chủ tàu cá ở P.Hoài Thanh, TX.Hoài Nhơn, Bình Định)

Tại Quảng Ngãi, ông Nguyễn Hữu Ngọt, Giám đốc Hợp tác xã đánh bắt xa bờ xã Bình Chánh (H.Bình Sơn), cho hay mỗi chuyến tàu câu mực ra khơi mang theo 40.000 lít dầu, chi phí năm 2020 là 480 triệu đồng/chuyến, thì nay là 800 triệu đồng/chuyến. Chủ tàu Võ Xuân Cẩm ở P.Phổ Quang, TX.Đức Phổ (Quảng Ngãi) cũng than vãn do giá dầu tăng cao, giá các loại hải sản chủ lực đánh bắt được như cá ngừ, cá nục thì lại giảm bình quân từ 30 - 40% so với năm ngoái, nên bình quân mỗi tháng chỉ bán ra được khoảng 100 triệu đồng. Kéo theo thu nhập của ngư dân từ 5 - 10 triệu đồng/người/tháng vào các năm trước, năm nay chỉ còn khoảng 3 triệu đồng/người/tháng.

Tại tỉnh Khánh Hòa, theo ông Nguyễn Văn Phúc (xã Phước Đồng, TP.Nha Trang), trước khi giá dầu tăng, chi phí một chuyến biển là 150 triệu đồng thì nay tăng lên 200 triệu, trong đó giá dầu chiếm hơn một nửa. Mỗi chuyến đi biển của ngư dân Lê Đình Tuấn (P.Vĩnh Phước, TP.Nha Trang) tiêu thụ trên 3.000 lít dầu. Nếu giá dầu lên 1.000 đồng/lít thì chi phí tăng lên 3 triệu đồng/chuyến biển. Ông Nguyễn Tấn Lầu, Phó chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá P.Vĩnh Phước, cũng thông tin giá dầu lên khiến ngư dân điêu đứng vì mỗi chuyến biển phải “gồng” thêm hơn 20% chi phí so với trước đây.

Tỉnh Kiên Giang có khoảng 9.888 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 m trở lên; trong đó có 3.985 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên. Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Kiên Giang, sau Tết Nguyên đán, tàu cá hoạt động bình thường, có khoảng 2.000 tàu đã xuất hành chuyến biển đầu năm. Tuy nhiên, dầu tăng giá chắc chắn tác động rất lớn đến hoạt động khai thác thuỷ sản ở địa phương. Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nghề cá TP.Rạch Giá (Kiên Giang), cho biết Hội Nghề cá TP.Rạch Giá có hơn 3.000 tàu đánh bắt xa bờ. Mặc dù không có lãi nhưng các chủ ghe vẫn phải xuất hành chuyến biển đầu năm để lấy may mắn trong năm và cũng để các ngư phủ có việc làm.

Biết lỗ vẫn phải hoạt động

Biết ra khơi là lỗ nhưng theo ông Huỳnh Hữu Tâm, chủ tàu cá PY 96545 TS (ở KP.4, P.Phú Đông, TP.Tuy Hòa, Phú Yên) chuyên hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương, nói: “Làm nghề biển mà không đi biển thì lấy gì ăn nên đánh liều bám biển, lỗ lãi sau này mới tính tiếp”. Qua đó, ông đề nghị Chính phủ cần có chính sách bình ổn giá xăng dầu thì ngư dân mới yên tâm bám biển.

Tương tự, ông Trương Việt, chủ cặp tàu đánh bắt xa bờ ở H.Kiên Hải (Kiên Giang), không thể cho tàu nằm bờ vì như thế thì bạn thuyền không có việc làm phải chuyển sang công việc khác. Mà hiện nay tìm bạn thuyền để ra khơi đánh bắt rất khó khăn nên buộc phải hoạt động để có việc làm giữ chân bạn thuyền.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, chủ vựa cá Bích Thanh ở cảng Phan Thiết (Bình Thuận), dù giá dầu lại tăng vọt, hải sản mất giá nhưng chủ tàu không dám bỏ bạn chài, nên kiểu gì cũng lỗ. Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Thuận, cho rằng, nếu tàu nằm bờ dài ngày sẽ mau hư hỏng vì không được bảo dưỡng thường xuyên như lúc hoạt động trên biển.

Để ngư dân yên tâm ra khơi, bám biển, ông Nguyễn Đình Triểu, Phó chủ tịch UBND TT.Sông Đốc (H.Trần Văn Thời, Cà Mau), kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, làm sao có chính sách hỗ trợ cho các hộ làm nghề khai thác biển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.