Ngư dân 'chê' khu neo đậu 186 tỉ đồng

15/11/2017 10:05 GMT+7

Tỉnh đầu tư 186 tỉ đồng để xây dựng khu neo đậu tránh trú bão Cửa Phú (xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới, Quảng Bình), nhưng ngư dân lại không dám đưa tàu thuyền vào tránh trú vì... sợ hư hỏng.

Dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Phú do Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư (trực tiếp là Ban Quản lý dự án quản lý thiên tai WB5). Ban Quản lý cảng cá Nhật Lệ chịu trách nhiệm quản lý, vận hành khu neo đậu.

tin liên quan

Sống giữa dòng Gianh
Họ không có đất, phải mượn đất hàng xóm để dựng lên những ngôi nhà sàn tạm bợ sống qua ngày; trong khi số khác đành chấp nhận cảnh ăn đời ở kiếp trên những khoang thuyền bức bí lênh đênh giữa dòng sông Gianh.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, những hạng mục thi công dở dang đã có biểu hiện hư hỏng, xuống cấp do chưa được hoàn thiện. Đặc biệt, trong các cơn bão, áp thấp nhiệt đới vừa qua, lượng tàu thuyền của ngư dân vào tránh trú rất ít. Theo sổ nhật ký tàu thuyền ra vào khu, bão số 4 có khoảng 60 chiếc vào trú, bão số 10 có khoảng 70 chiếc.
Trong khi đó, chỉ riêng xã Bảo Ninh đã có 274 chiếc tàu, thuyền. Nếu các khu neo đậu khác (kể cả trên sông kín gió) luôn chật kín tàu thuyền thì khu Cửa Phú chỉ lèo tèo vài chiếc. Nhiều ngư dân địa phương cho rằng khu tránh trú nằm đúng hướng đón gió bão nên rất ít người dám đưa tàu thuyền vào Cửa Phú, mà phải di chuyển lên chợ Gộ (H.Quảng Ninh) dù xa hơn, tốn thời gian và chi phí dầu máy.
Một nghịch lý nữa, khu neo đậu chỉ dành cho tàu từ 300 CV trở xuống, trong khi xu hướng ngư dân đóng mới tàu công suất lớn ngày càng tăng. Đơn cử, xã Bảo Ninh có 274 chiếc nhưng chỉ có 106 tàu công suất 300 CV trở xuống, còn lại trên 300 CV. Vì thế sinh ra chuyện tréo ngoe là với một số tàu trên 300 CV vào khu neo đậu, Ban Quản lý cảng cá Nhật Lệ phải làm biên bản... vận động di dời ra khỏi khu vực này để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Làm việc với PV Thanh Niên ngày 8.11, ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Ban Quản lý dự án quản lý thiên tai WB5, lý giải: “Các hạng mục chưa hoàn thành vì không có vốn và dừng thi công từ tháng 5. Trước khi đầu tư, đoàn liên ngành khảo sát 5 vị trí và đã chọn Cửa Phú vì đáp ứng các tiêu chí. Theo quy hoạch của Chính phủ, trên sông Nhật Lệ chỉ cho phép neo đậu cho tàu dưới 300 CV, còn khu cho tàu thuyền trên 300 CV sẽ xây dựng chỗ khác. Ngư dân chỉ nghe đồn, bị tâm lý; sau này họ sẽ vào mà thôi” (!?).
Không có công trình vệ sinh và nước
Đến nay, các hạng mục nhà vệ sinh, nhà điều hành, một đoạn đường, bể composite, lề bê tông... với tổng giá trị 1,2 tỉ đồng vẫn chưa hoàn thành. Ban Quản lý cảng cá Nhật Lệ chịu trách nhiệm quản lý, vận hành khu neo đậu, được giao 2 phòng để làm việc và ngủ. Vì không có công trình vệ sinh và nước để sử dụng nên cán bộ của tổ quản lý phải mua nước bình về dùng, còn vệ sinh thì… tùy nghi!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.