Ngư dân Kiên Giang kiến nghị Chính phủ cho giãn nợ, giảm lãi vay ngân hàng

26/06/2023 20:28 GMT+7

Chủ tịch Hội nghề cá TP.Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết bà con ngư dân địa phương gặp khó khăn trong việc khai thác thủy sản, rất cần được hỗ trợ giãn nợ, giảm lãi vay ngân hàng.

Chiều 26.6, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác của Chính phủ có buổi gặp gỡ, thăm hỏi bà con ngư dân và kiểm tra tình hình chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại H.Châu Thành, Kiên Giang.

Báo cáo với đoàn công tác, Ban chỉ đạo về IUU tỉnh Kiên Giang cho biết, tổng số tàu cá đăng ký của tỉnh là 9.515 chiếc. Trong đó có 4.277 tàu chiều dài từ 6 m đến dưới 12 m, 1.540 tàu chiều dài từ 12 m đến dưới 15 m và 3.698 tàu có chiều dài 15 m trở lên. Số tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là 3.634/3.698 chiếc, chiếm 98,26% tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên; còn lại 64 tàu cá nằm bờ chưa lắp đặt giám sát hành trình.

Ngư dân Kiên Giang kiến nghị Chính phủ cho giãn nợ, giảm lãi vay ngân hàng - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang (thứ 4 từ trái qua) kiểm tra thực tế tại cảng cá Tắc Cậu, thuộc địa bàn H.Châu Thành, Kiên Giang

XUÂN LAM

Thời gian qua, các lực lượng chức năng của tỉnh Kiên Giang phối hợp với các địa phương mở nhiều đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát trên biển, xử lý các phương tiện vi phạm IUU.

Tại buổi gặp, đại diện bà con ngư dân nêu những khó khăn của nghề đánh bắt hải sản xa bờ những năm gần đây, cũng như những trăn trở khi tàu cá vi phạm IUU bị nước ngoài bắt giữ xử lý.

Chủ tàu lớn đã phá sản, phải đi bán cà phê

Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá TP.Rạch Giá (Kiên Giang), cho biết việc tàu cá vi phạm IUU là do một số người hám lợi kết nối đường dây đi sang nước ngoài đánh bắt. Việc này thuận lợi thì ít mà khó khăn rất nhiều, thậm chí bị lừa đi đánh bắt ở nước ngoài và hậu quả là mất tàu cá, mất tất cả tài sản.

"Bà con ngư dân Kiên Giang rất khó khăn trong việc khai thác thủy sản. Thực tế bây giờ những chủ tàu lớn đã phá sản, phải đi bán cà phê hay làm những công việc khác. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ quan tâm Kiên Giang về nghề khai thác thủy sản, hỗ trợ bà con ngư dân được giãn nợ, giảm lãi vay ngân hàng", ông Ngữ nói.

Còn ông Nguyễn Văn Nhiều, chủ tàu cá ở xã Vĩnh Hòa Phú, H.Châu Thành, nêu những khó khăn của ngành khai thác thủy sản khi ngư trường cạn kiệt, khai thác không hiệu quả, ngư lưới cụ và chi phí cho mỗi chuyến biển đều tăng. Trong 2 năm gần đây, do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá xăng dầu tăng cao, lãi suất ngân hàng cũng tăng nên bà con ngư dân làm ăn thua lỗ, phải đậu tàu, bán tàu.

Ông Nhiều bày tỏ: "Đại diện bà con ngư dân, chúng tôi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp xem xét hỗ trợ xin miễn giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ 2 năm. UBND tỉnh Kiên Giang và Sở NN-PTNT xem xét cải hoán, thay máy để giảm nhiên liệu và đảm bảo chuyến biển có lợi nhuận để có tiền trả nợ cho ngân hàng chứ không phải thay máy để tận diệt nguồn lợi thủy sản. Nếu được vậy, chúng tôi xin cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài".

Sau khi nghe ngư dân phát biểu ý kiến và kiến nghị, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, Kiên Giang có đội tàu khai thác thủy sản nhiều nhất cả nước, sản lượng lớn nhất nước. Phó thủ tướng chia sẻ với những khó khăn của tỉnh đang gặp phải khi xử lý vi phạm IUU và khó khăn của ngư dân.

Phó thủ tướng cho rằng, thời gian gần đây, nước ta và tỉnh Kiên Giang có nhiều tín hiệu tích cực trong nỗ lực chống khai thác IUU; mong muốn UBND tỉnh Kiên Giang và các ngành chức năng phối hợp tốt và có nhiều giải pháp để không để cho tàu cá của ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, cố gắng gỡ thẻ vàng của châu Âu từ nay đến cuối năm 2023.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.