Ngày 17.7, biển trời Hòn La (xã Quảng Đông, H.Quảng Trạch, Quảng Bình) trở lại bình thường. Trong đêm cuồng nộ, từng cơn sóng lớn đã biến mọi thứ có trên nó trở thành hư vô. Bờ biển sau dông tố như một bãi chiến trường, tàu thuyền ngổn ngang. Nhiều chiếc chìm dưới mặt biển, nhiều chiếc bị đánh rách tả tơi dạt vào bờ; một số ít chiếc may mắn còn nguyên vẹn thì cũng bị mắc cạn, có chiếc nằm chơ vơ trên bãi đá.
tin liên quan
Sau bão, tàu thuyền bị sóng đánh tan hoang trên biển
|
|
Thống kê của UBND xã Quảng Đông cho hay, tổng cộng có 57 tàu thuyền neo đậu tại khu vực Cảng Hòn La bị sóng đánh chìm, hư hỏng, mắc cạn; trong đó, 45 tàu thuyền đánh cá (18 tàu cá ngoại tỉnh và 27 tàu thuyền của ngư dân trong xã).
Sau hoạn nạn, lực lượng chức năng địa phương cùng bà con họ hàng của chủ tàu và bạn thuyền đến hỗ trợ trục vớt, tháo rời các bộ phận còn sử dụng được để đưa lên bờ. Tại những nơi đó, chúng tôi không tìm thấy chủ tàu. Hỏi dò một lúc, người này chỉ người kia rồi mới tìm đúng địa chỉ. Bởi họ, mỗi người ngồi mỗi góc, thẫn thờ, không phương hướng.
|
tin liên quan
Người dân Hà Tĩnh di dời hàng chục tấn cá lồng bè tránh bão số 2
Ông Huỳnh Phúc, quê Đức Phổ, Quảng Ngãi có 2 chiếc tàu neo tại Hòn La là chiếc 94793 và 98236 thì cả 2 đều bị chìm và rách nát, mỗi bộ phận mỗi nơi. Thiệt hại đối với ông Phúc lên đến gần 5 tỉ đồng bởi ngoài tàu, ngư cụ còn trữ nhiều dầu. Trên 2 tàu có 14 người.
Ông Phúc thuật lại thời khắc kinh hoàng trong nét mặt mệt mỏi, hoảng loạn: “May mà không thiệt hại về người, khi bị nạn chúng tôi cố bơi vào bờ. Trên chiếc tàu nhỏ chỉ có 2 người, đến sáng chúng tôi đi tìm hoài không thấy họ đâu, tưởng xảy ra chuyện lớn, ai dè 1 người được thuyền viên tàu hàng thả dây cứu sống còn người kia bị sóng đánh tấp vô bờ rồi lết lên nằm thiếp đi trên nhà bên kia”.
|
Ông Phúc còn đi lại và nói chuyện được dù lập bập từng câu chứ ông Lê Văn Trí (chủ tàu HT90420TS, quê ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh) ngồi lặng người bên con tàu chỉ còn phần nửa thân trước. Tôi hỏi gì ông cũng không nói, chỉ ngước mặt nhìn như chực trào nước mắt. Thấy thế, người nhà một bạn thuyền mới cho tôi biết tên ông và con tàu 135 CV trị giá hơn 800 triệu đồng.
Nỗi đau ngư dân nghèo
Đối với ngư dân địa phương, thiệt hại có thể nói rất lớn vì nhiều tàu chìm, hư hỏng hoàn toàn và họ không có bảo hiểm tàu thuyền. Quảng Đông là vùng đất nằm cuối phía bắc của tỉnh, nơi đây nổi tiếng...nghèo bởi điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng cằn cỗi. Không thể trồng trọt, người dân sống ven biển mua sắm ghe thuyền ra khơi mưu sinh. Gần như mọi tàu thuyền của xã đều neo đậu tại vịnh Hòn La nên thiệt hại hầu hết. Nhìn vài chiếc thuyền lèo tèo đậu sát bờ cảng, một ngư dân nói đầy cay đắng: “Đó, cả xã còn từng đấy chiếc”.
|
Vì điều kiện kinh tế eo hẹp nên đa số tàu thuyền của xã thuộc loại nhỏ và cũ. Để có thuyền ra khơi, người dân phải đi vay mượn rồi tìm mua thuyền cũ về sửa sang lại. Có những người mới mua được thuyền và ra biển vài ngày như ông Phan Thanh Mậu thì gặp đại nạn.
Ông ngậm ngùi bảo: “Nhà vét hết được hơn 20 triệu đồng, vay mượn thêm 80 triệu nữa mua thuyền về tu sửa mất tổng hơn trăm triệu. Vậy mà giờ mất sạch trơn, thuyền bị tàu hàng va đập đánh lên bờ bể nát gần nửa chiếc. Giờ đang tháo máy lên không biết có sửa được không”.
|
|
Có người còn chưa thu lại được đồng nào từ khi mua thuyền, như ông Tưởng Văn Sơn. Ông cho biết mới mua chiếc thuyền có tải trọng 10 tấn với giá hơn 200 triệu đồng từ Vũng Tàu về để làm dịch vụ, chưa chạy được chuyến nào thì nay đã chìm nghỉm dưới biển. Với một số người còn thấy xác tàu, đi lượm mảnh vỡ của tàu chứ ông Sơn không thấy tăm hơi thuyền của mình đâu cả nên chỉ biết ngồi nhìn. Tâm sự với tôi chưa dứt câu chuyện, ông đã ứa nước mắt và quay ra biển lảng tránh như cố giấu đi khuôn mặt mình. Biển cho ngư dân tôm cá, mang lại nguồn sống nhưng đôi khi biển cũng lấy đi của họ tất cả, chỉ để lại sự chua xót và mất mát quá lớn, vượt quá sức chịu đựng của những ngư dân tháng ngày bám biển mưu sinh. Nghe ông Sơn nghẹn ngào nói: “Trắng tay rồi!”, thấy sao não nề và thương ngư dân mình quá đỗi!
tin liên quan
'Mái nhà' cho ngư dân giữa Trường SaSự cố đáng tiếc
Có nhiều ngư dân cho rằng, thiệt hại lớn như vậy có nguyên nhân từ sự dự báo của cơ quan chức năng vì thế, tàu thuyền vẫn neo đậu tại vịnh Hòn La. Nếu dự báo khác đi, không chỉ tàu thuyền của ngư dân mà các tàu khác cũng sẽ di chuyển đi tránh trú xuống phía nam vì tại vịnh Hòn La chỉ chịu được gió cấp 5 – 6.
|
|
Về vấn đề này, ông Lê Minh Ngân, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Bình cho rằng: “Chiều 16.7, tôi đã trực tiếp đi nhiều địa bàn, chỉ đạo các địa phương, đơn vị có liên quan thông báo rộng rãi, kịp thời chỉ đạo bà con phải đưa tất cả tàu thuyền tập kết đúng nơi quy định tại các khu neo đậu đúng quy trình, không được phép lơ là phòng tránh. Mặc dù bão sẽ đổ bộ vào Hà Tĩnh nhưng Quảng Bình là địa phương giáp ranh nên phải luôn đề cao cảnh giác, thực hiện ngay những biện pháp phòng tránh. Tỉnh không chủ quan nên mặc dù trời mưa to gió lớn và ngày nghỉ nhưng cán bộ vẫn đội mưa về tận cơ sở để chỉ đạo, nhắc nhở”.
PV Thanh Niên hỏi tiếp liệu địa phương đã sâu sát chưa? Nếu chính quyền địa phương biết có một lượng lớn tàu thuyền đang neo đậu ở Hòn La như thế mà nhắc nhở, yêu cầu họ phải di dời vào tránh trú sâu trong các khu neo đậu thì có lẽ hậu quả không lớn như thế?
Ông Ngân trả lời: “Việc đó tỉnh đang yêu cầu huyện, xã và các ngành liên quan báo cáo cụ thể. Hiện tại tập trung ổn định tình hình, lo sức khỏe cho các ngư dân, thuyền viên bị nạn; trục vớt tàu, đảm bảo an toàn hàng hải và xử lý nếu có sự cố tràn dầu”.
Bình luận (0)