Mỗi năm, Bình Định chi hơn 1 tỉ đồng cho việc nạo vét cát ở các luồng lạch này nhưng sau đó đâu lại vào đấy, cát bồi vẫn cứ đến hẹn lại lên.
Một tàu cá bị mắc cạn tại cửa biển Tam Quan - Ảnh: Tâm Ngọc |
Bình Định là một trong những địa phương có đội tàu hùng hậu nhất cả nước với gần 7.000 chiếc. Với các chủ tàu này, ngoài những cơn bão biển, họ còn có thêm nỗi ám ảnh mang tên luồng lạch, cửa biển bị bồi lấp trên đường vào tránh bão, nhất là ở cảng cá Tam Quan và Đề Gi.
Mắc cạn khi ra - vào cảng
Mỗi năm, Bình Định chi hơn 1 tỉ đồng cho việc nạo vét cát ở các luồng lạch này nhưng sau đó đâu lại vào đấy, cát bồi vẫn cứ đến hẹn lại lên. Cảng cá Tam Quan, xã Tam Quan Bắc (H.Hoài Nhơn) là một trong 3 cảng cá lớn của tỉnh với sức chứa khoảng 1.400 tàu. Đây vừa là điểm trú tránh bão vừa là nơi mua bán sản phẩm và lấy tổn (nhiên liệu và các thứ cần thiết khác) phục vụ khai thác thủy sản của ngư dân trong và ngoài tỉnh. Tuy vậy, luồng lạch ra vào cảng thường bị bồi lấp nghiêm trọng, tàu cá công suất lớn ra vào rất khó khăn, nhất là khi thủy triều xuống. Mỗi lần nghe có áp thấp nhiệt đới, hoặc bão xuất hiện, nhiều ngư dân Bình Định phải cuống cuồng lái tàu di chuyển đến khu neo đậu ở tỉnh bạn hoặc đến những con lạch nhỏ, sông cụt để ẩn trú tạm. Nguyên nhân là do nhiều cửa biển, luồng lạch ra vào cảng cá trên địa bàn tỉnh đã bị cát bồi lấp; cơ sở hạ tầng bên trong khu neo đậu xuống cấp, chật chội. Ngư dân Nguyễn Văn Hoàng (45 tuổi, ở xã Tam Quan Bắc, H.Hoài Nhơn) cho biết: “Nhiều khi tụi tui chạy vô lạch để tránh bão thì bị kẹt ngay cửa biển, phải tốn thêm tiền thuê kéo tàu vô. Nhiều trường hợp nặng còn bị sóng đánh vỡ hết thuyền, mất hơn cả tỉ bạc!”.
Theo ông Phạm Văn Chung, Trưởng phòng Kinh tế H.Hoài Nhơn: Từ đầu năm 2015 đến nay, có 14 tàu cá của ngư dân bị mắc cạn khi ra vào cảng. Chưa kể, 2/3 diện tích khu vực neo đậu tránh bão tại cảng cũng bị đất, cát bồi lấp. Hơn nữa, hệ thống ụ neo bên trong cảng luôn bị chìm dưới nước lúc thủy triều lên, ngư dân muốn neo tàu phải cột dây vào các trụ neo trong bờ nên khi gió to, sóng lớn thường xảy ra hiện tượng đứt dây neo, gây va đập, hư hỏng, thậm chí chìm tàu. Nhằm hạn chế rủi ro, ngư dân phải đợi nước triều lên mới cho tàu ra - vào cảng và phải thuê một chiếc tàu nhỏ lai dắt dẫn đường với chi phí từ 1 đến 1,5 triệu đồng/lượt, rất tốn kém.
Nhiều tàu bị sóng đánh vỡ
Đầu năm 2014, tàu cá BĐ 90511 TS có công suất 450 CV, hành nghề lưới vây xuất phát tại cảng cá Tam Quan (xã Tam Quan Bắc, H.Hoài Nhơn) khi vừa qua khu vực cửa biển Tam Quan thì bị mắc cạn, mất lái, trôi tự do, rồi bị sóng đánh vỡ hoàn toàn. Cũng trước đó vài giờ, tàu cá QNg 94544 TS của ông Đặng Văn Seo (trú ở Đức Phổ, Quảng Ngãi) vào cảng Tam Quan để bán cá ngừ đại dương thì cũng bất ngờ bị mắc cạn tại cửa biển. Tàu cá BĐ 95011 TS của ông Võ Đây (67 tuổi, thôn Trường Xuân Đông, xã Tam Quan Bắc, H.Hoài Nhơn) cũng bị sóng đánh chìm, toàn bộ thân tàu bị vỡ hoàn toàn, thiệt hại ước tính khoảng 1,5 tỉ đồng.
Tương tự, cảng cá Đề Gi (xã Cát Khánh, H.Phù Cát) là nơi tránh trú bão an toàn cho trên 1.000 tàu đánh cá. Tuy vậy, sức chứa khu neo đậu nhỏ, hệ thống luồng lạch ra vào, đê, kè bảo vệ, ụ neo đậu, cầu cảng, đèn chiếu sáng đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
Mới đây, sau khi đi kiểm tra thực trạng đê biển, luồng lạch ra vào cảng cá Tam Quan và khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão Tam Quan, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cùng lãnh đạo một số ngành của tỉnh đã làm việc với Huyện ủy và UBND H.Hoài Nhơn bàn bạc giải pháp khắc phục tình trạng xói lở bờ biển, bồi lấp luồng lạch ra vào cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão Tam Quan.
Bình luận (0)