Ngư dân sợ âu thuyền: Âu thuyền vướng... khu đô thị

24/12/2015 05:56 GMT+7

Âu thuyền Thọ Quang, TP.Đà Nẵng từ lâu đã quá tải, T.Ư đã có chủ trương đầu tư một khu neo đậu mới nhưng địa phương lại không thể tìm ra địa điểm xây dựng.

Âu thuyền Thọ Quang, TP.Đà Nẵng từ lâu đã quá tải, T.Ư đã có chủ trương đầu tư một khu neo đậu mới nhưng địa phương lại không thể tìm ra địa điểm xây dựng.

Âu thuyền Thọ Quang quá tải - Ảnh: Nguyễn TúÂu thuyền Thọ Quang quá tải - Ảnh: Nguyễn Tú
Thọ Quang là một trong số âu thuyền lớn của miền Trung. Rộng 58 ha, đây không chỉ là nơi tránh trú bão mà còn là cảng cá lớn của ngư dân các nơi đổ về sau chuyến biển, chuẩn bị nhu yếu phẩm, nhiên liệu cho chuyến biển mới. Trong âu thuyền còn có cả chục triền đà đóng sửa tàu bè. Do đó, âu thuyền được thiết kế với sức chứa 800 chiếc từ lâu đã trở nên quá tải. Mùa bão, thường xuyên có khoảng 1.300 - 1.500 tàu bị nhồi nhét, dẫn đến nguy cơ va chạm, cháy nổ dây chuyền...
Chờ nước xuống tàu mới qua lọt
Không chỉ vậy, gầm cầu Mân Quang được xem là cửa ngõ vào âu thuyền nhưng độ tĩnh không chỉ 6 m. Ngư dân Lê Văn Sang, chủ tàu cá vỏ thép Sang Fish 01, cho hay tàu của anh cao 5,6 m đã phải chờ nước xuống mới qua lọt, còn các tàu mành chụp, câu mực có giàn trụ cao hơn như tàu vỏ thép Hoàng Vĩ 01 của Quảng Bình, giàn trụ cao đến 7,6 m, không thể vào âu thuyền, phải bốc dỡ hàng bên ngoài, rất nguy hiểm khi mưa bão.
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng, nhận định tuy là trung tâm nghề cá của khu vực nhưng âu thuyền của Đà Nẵng còn kém hơn các tỉnh thành bạn. Việc mở rộng âu thuyền, tìm nơi neo đậu mới cho tàu cá là cần thiết bởi đội tàu công suất lớn, vỏ thép đang ra đời nhờ vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67 Chính phủ.
Ông Trần Văn Lĩnh, đại biểu HĐND, thành viên Ban Kinh tế ngân sách, Chủ tịch Hội Nghề cá TP.Đà Nẵng, cho rằng nếu được đầu tư nâng cấp khu neo đậu tàu thuyền mới, ngư dân có bến bãi đưa cá về, có nhà xưởng phân loại, có kho đông lạnh bảo quản, có chợ đấu giá… thì ngư dân sẽ chủ động trong phân phối sản phẩm, không còn cảnh phụ thuộc vào thương lái và bị ép giá.
Tìm mãi “không ra đất”
Còn theo ông Nguyễn Đỗ Tám: “Chính phủ đã chọn Đà Nẵng là 1 trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước gắn với ngư trường Hoàng Sa, Biển Đông, bên cạnh Hải Phòng (ngư trường vịnh Bắc bộ), Khánh Hòa (ngư trường Trường Sa)… Bộ NN-PTNT muốn Đà Nẵng có một nơi neo đậu khác, ngoài âu thuyền Thọ Quang, có vị trí rồi thì đề xuất và Chính phủ sẽ đầu tư. UBND TP.Đà Nẵng giao ngành nông nghiệp tìm, nhưng tìm mãi chưa ra”, ông Tám nói.
Trong khi việc tìm chỗ neo đậu mới còn dang dở, thì mới đây TP.Đà Nẵng cấm neo đậu tàu cá trên sông Hàn, dẫn đến khoảng 200 chiếc đổ thêm vào khiến âu thuyền ngày càng bức bối. Sở NN-PTNT đề xuất 3 vị trí làm chỗ neo đậu tàu thuyền tạm thời ở vịnh Mân Quang gần đó nhưng đều bị vướng. Hai vị trí mặt nước quanh cồn Mân Quang rộng 8 ha và 40 ha vướng dự án khu đô thị cồn Mân Quang và khu đô thị đảo Trân Châu. Phần mặt nước giữa cồn Mân Quang rộng 15 ha chưa dính dự án nhưng nếu triển khai làm nơi neo đậu bằng phao bù (6 tàu/cụm) thì đầu tư và bảo dưỡng rất tốn kém.
Trong khi đó, phương án đề xuất thu hồi dự án lại càng bất khả thi, vì doanh nghiệp đã nộp tiền sử dụng đất và được cấp sổ đỏ, sẽ phải đền bù tốn kém hơn nữa. Do đó, theo ông Tám, trước mắt UBND TP yêu cầu Sở NN-PTNT lên phương án cải tạo, nạo vét âu thuyền để có thêm nơi neo đậu và giảm thiểu ô nhiễm từ quá tải tàu cá.
Ít tàu lớn vì cửa lạch cạn
Cửa Tùng (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị), là nơi nghề ngư nghiệp khá tiếng tăm nhưng ngư dân lại ít có tàu lớn. Cảng cá Cửa Tùng chủ yếu để các tàu cập bến bán thủy hải sản, tiếp nhiên liệu, thực phẩm rồi rời đi chứ không đậu lâu. Năm 2014, nhà nước quyết định đầu tư khu neo đậu mới cho tàu bè với tổng vốn trên 55 tỉ đồng tại khu vực trước chợ Cửa Tùng. Hiện khu neo đậu vẫn đang được xây dựng nhưng người dân đã bày tỏ sự quan ngại vì cửa lạch ngày càng nhỏ, dễ bị mắc cạn. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, nói: "Cuối năm 2016, khi hoàn thành dự án, chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp với ngành chức năng khác đảm bảo luồng lạch để âu thuyền được hoạt động hiệu quả”.
Nguyễn Phúc
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.