Ngủ không đúng cách coi chừng tiền mất tật mang

14/05/2022 06:00 GMT+7

Nhiều người tưởng chuyện ngủ là thứ dễ như cơm bữa, “làm mới khó chứ ngủ thì khó gì”. Thực tế không phải như vậy.

Ngủ không đúng cách, tiền mất tật mang. Chưa hẳn bạn trẻ nào cũng hiểu đúng về giấc ngủ và cách chăm sóc chúng.

Không ăn không ngủ mất tiền thêm lo

N.T

Người xưa có câu “Ăn được ngủ được là tiên. Không ăn không ngủ mất tiền thêm lo”. Vòng xoáy học hành thi cử, cơm áo gạo tiền cuốn con người thời hiện đại vào bao nỗi lo toan, có những người thường xuyên phải dùng đến thuốc ngủ để ru mình vài tiếng mỗi đêm.

Trong khi đó, Nguyễn Thiên Minh (tên nhân vật đã được thay đổi), 22 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, người được tuyển thẳng vào ĐH 4 năm trước vì là học sinh giỏi quốc gia môn vật lý, cũng từng một thời gian dài mất ngủ. “Ban đầu tôi thấy việc ngủ khá là lãng phí nên đã cố gắng ngủ ít đi và cứ ngỡ mình ngủ 4 tiếng rưỡi/ngày là bình thường. Cứ khi nào ngủ nhiều hơn, tôi luôn tự trách bản thân mình “thay vì ngủ thì phải làm việc chứ”, Minh kể lại.

Khoảng thời gian ấy kéo dài suốt hơn 2 năm. Minh gần như kiệt sức, luôn thấy chênh vênh. Sau này, khi đã điều trị tâm lý xong, Minh mới biết quý trọng giấc ngủ nhiều hơn. Hiện anh đang cố gắng quay về giấc ngủ 7 tiếng rưỡi/ngày, dù chấp nhận ban đầu giấc ngủ có thể gián đoạn, giữa đêm thức dậy 3 - 4 lần.

Hoạt động thể dục thể thao giúp người trẻ giảm stress, có giấc ngủ ngon hơn

Thúy Hằng

Ngủ để hạnh phúc, chữa lành tâm hồn

Là một học sinh, từng gặp khó khăn trong việc ngủ ngon, ngủ đủ giấc, 2 năm trước Nguyễn Hà Linh (18 tuổi), học sinh Trường THPT Quang Trung, Q.Hà Đông, Hà Nội thành lập dự án Somniate - tiếng Latin có nghĩa là “giấc ngủ”. Cô hy vọng mỗi người biết “ngủ để hạnh phúc, chữa lành tâm hồn để tích cực hơn”. Tới nay, dự án với ban tổ chức, điều hành là học sinh các trường THPT tại Hà Nội, lan tỏa đông đảo tới nhiều người trẻ trên cả nước.

Các bạn trẻ cần tăng cường vận động qua các môn thể thao như đi bộ, chạy bộ, bơi lội. Nếu trong quá trình ôn thi, các bạn có thể tập nhẹ nhàng, vừa sức. Để duy trì sự nhạy bén của trí não, tập trung tinh thần, phòng ngừa bệnh tật, phòng chống stress, chăm sóc giấc ngủ, mọi người có thể ngồi thiền, tập yoga

TS-BS NGUYỄN THANH DANH, Chủ tịch hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu dinh dưỡng TP.HCM

Nguyễn Lê Ngọc Thuận, lớp 12 chuyên văn, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), Trưởng ban Truyền thông dự án, cho hay là một bạn trẻ trong thời đại mới, cô nhận ra một thực trạng khá rõ ràng là nhiều người trẻ luôn gặp khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc, bộc lộ chính mình và sống tích cực. Những điều này tác động đến tâm lý, tinh thần, trực tiếp ảnh hưởng đến giấc ngủ của các bạn. Hệ quả là các bạn trằn trọc, mất ngủ, ngủ rất muộn, ngủ ít, chất lượng giấc ngủ không đủ tốt để có thể tỉnh táo và có năng lượng cho ngày mới. Tình trạng này càng trầm trọng hơn trong lúc dịch bệnh, người trẻ ít tiếp xúc với bên ngoài hơn.

Trong 2 năm qua, Somniate đã tổ chức nhiều sự kiện trực tuyến lan tỏa tầm quan trọng của việc xây dựng giấc ngủ chất lượng. Các sự kiện có sự tham gia của chuyên viên, diễn giả tâm lý, giúp người trẻ được lắng nghe và chữa lành (tư vấn 1 - 1), hướng dẫn các hoạt động cải thiện sức khỏe tinh thần bằng yoga, thiền.

“Chúng tôi đã tổ chức “Have a good night!”, giúp mỗi người xây dựng được thói quen tốt trong 21 ngày và luôn được nhắc nhở ngủ sớm, tâm sự và chia sẻ cùng các thành viên ban tổ chức. Hay chương trình “Lullaby - Ầu ơ” và “Ngày xửa ngày xưa”, lan tỏa tới gần 600 bạn trẻ, giúp các bạn được lắng nghe những tổn thương của chính mình, được chữa lành và chia sẻ kinh nghiệm để cải thiện chất lượng cuộc sống”, Ngọc Thuận nói.

Quan tâm giấc ngủ cũng là chăm sóc sức khỏe

Đi qua mùa dịch, người ta càng nhận ra tầm quan trọng của sức khỏe thể chất và tinh thần. Theo bạn trẻ từng vượt qua trầm cảm Nguyễn Thiên Minh, việc chăm sóc sức khỏe quan trọng nhất khi bạn nhận thức được giấc ngủ có quan trọng hay không. Người ngủ không ngon có xu hướng so sánh hạnh phúc của mình, so sánh mình với người khác và hay suy nghĩ tiêu cực. Trong khi người ngủ ngon có xu hướng khuếch đại niềm vui tích cực của mình lên.

“Tôi vẫn gặp nhiều anh chị, bạn bè làm công sở than vãn sao phải ngủ nhiều như thế, phải ngủ ít lại để làm việc nhiều hơn. Nếu bạn coi công việc quan trọng hơn giấc ngủ, thì đó là điều bạn đánh đổi và sẽ có cái giá của nó”, Thiên Minh nói. Còn Nguyễn Hà Linh quan niệm: “Ai cũng đều xứng đáng có được những giấc ngủ lành mạnh và một tâm lý thật ổn định để cơ thể khỏe mạnh, cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Dự án Somniate do những bạn trẻ THPT điều hành, lan tỏa tích cực tới người trẻ

NVCC

TS-BS Nguyễn Thanh Danh, Chủ tịch hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu dinh dưỡng TP.HCM, cho biết các kỳ thi vào lớp 10, tốt nghiệp THPT đang đến gần, các bạn trẻ khó tránh khỏi những lo lắng, ôn tập căng thẳng nên quên ăn quên ngủ. Nhiều áp lực khiến các bạn dễ bị stress, mệt mỏi, biếng ăn, hấp thụ kém, thiếu năng lượng và các chất cần thiết cho sức khỏe. Điều này gây suy yếu hoạt động trí não, suy giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, làm ảnh hưởng đến năng suất học tập.

Khi não bị suy yếu, các bạn có thể cảm thấy mau mệt hơn trước, khó tiếp thu bài vở, lâu nhớ nhưng mau quên, sức chịu đựng kém, dễ bị kích thích, hay nóng tính, khó làm chủ được cảm xúc. Các bạn cũng có thể mất dần hứng thú với học tập, ý chí và nghị lực không mạnh mẽ, lòng ham hiểu biết bị suy giảm. Tri giác và cảm giác bị trì trệ, cầm ly chén hay bị rớt. Hay bị rối loạn giấc ngủ, hay chiêm bao, sáng mệt mỏi không muốn dậy.

Để người trẻ có sức khỏe tốt về cả thể chất, tinh thần, theo TS-BS Nguyễn Thanh Danh, cần bổ sung dinh dưỡng, ăn uống đầy đủ các nhóm chất tinh bột, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất, uống đủ nước.

TS-BS Danh khuyên ban đêm cần ngủ từ 7 - 8 tiếng, ngủ trưa 30 phút đến 2 tiếng, nếu không ngủ được cũng nên nhắm mắt nằm yên 15 - 20 phút sẽ có lợi cho sức khỏe. Thời gian làm việc, nghỉ ngơi và vui chơi giải trí luôn cần được sắp xếp thỏa đáng theo giờ giấc nhất định để duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần.

“Các bạn trẻ cần tăng cường vận động qua các môn thể thao như đi bộ, chạy bộ, bơi lội. Nếu trong quá trình ôn thi, các bạn có thể tập nhẹ nhàng, vừa sức. Để duy trì sự nhạy bén của trí não, tập trung tinh thần, phòng ngừa bệnh tật, phòng chống stress, chăm sóc giấc ngủ, mọi người có thể ngồi thiền, tập yoga”, TS-BS Danh trao đổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.