Nghiên cứu được trình bày tại Đại hội Hiệp hội Tim mạch châu Âu phát hiện ra rằng giấc ngủ hơn 60 phút có liên quan đến nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân cao hơn 30% và khả năng mắc bệnh tim mạch tăng 34% so với không ngủ trưa, theo Forbes.
Tuy nhiên, giấc ngủ trưa dài chỉ làm tăng nguy cơ tử vong nếu người đó ngủ nhiều hơn 6 giờ/đêm. Tác giả nghiên cứu, Zhe Pan, nói với Forbes: “Ngủ trưa phổ biến trên toàn thế giới và thường được coi là một thói quen lành mạnh... Các kết quả cho thấy, giấc ngủ ngắn hơn (đặc biệt là dưới 30 đến 45 phút) có thể cải thiện sức khỏe tim mạch ở những người ngủ không đủ giấc vào ban đêm”.
Nghiên cứu trước đây về mối liên hệ giữa ngủ ngày và ảnh hưởng đến sức khỏe đã cho những kết quả trái ngược nhau. Ví dụ, một nghiên cứu được công bố vào tháng 9.2019 trên tạp chí Heart chỉ ra, người ngủ trưa 1- 2 lần/tuần giảm một nửa nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ so với những người không ngủ trưa.
Nghiên cứu khác được công bố vào tháng 12.2019 thì cho thấy, người ngủ ngày dài hơn 90 phút có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 85% so với những người ngủ trưa vừa phải, theo Forbes.
Lý do sinh lý tại sao ngủ trưa ảnh hưởng đến cơ thể vẫn chưa rõ ràng. Nhưng một số chuyên gia nghiên cứu cho rằng ngủ trưa lâu hơn có thể làm tăng mức độ viêm nhiễm, liên quan đến bệnh tim và tăng nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu thêm để hiểu ngủ trưa và ngủ nhiều giờ hơn vào ban đêm liên quan đến việc tăng nguy cơ các vấn đề sức khỏe như thế nào.
Trong khi chờ đợi, các nhà khoa học khuyên chúng ta nên giữ thói quen ngủ trưa dưới 1 giờ và nếu không quen ngủ trưa thì đừng ép cơ thể phải ngủ, theo Forbes.
Bình luận (0)