Ngủ trưa có cần thiết?

24/12/2020 10:14 GMT+7

Ngủ trưa thường bị chúng ta bỏ qua vì nhiều lý do, chẳng hạn như sự bận rộn trong công việc hoặc đơn giản là không thể chợp mắt được vào thời gian này trong ngày.

Trên thực tế, giấc ngủ trưa là một hoạt động tốt cho sức khỏe, đồng thời giúp chúng ta làm những việc còn lại trong ngày hiệu quả hơn.
Theo trang The Guardian, ngủ trưa giúp cân bằng giữa hai nhánh của hệ thần kinh tự chủ là hệ thần kinh giao cảm (hệ thần kinh hoạt động) và hệ thần kinh đối giao cảm (hệ thần kinh nghỉ ngơi, phục hồi), thúc đẩy quá trình nghỉ ngơi của cơ thể để tạo ra năng lượng cho những hoạt động diễn ra trong ngày.
Giấc ngủ trưa có thể kéo dài đến 90 phút. Lúc này chúng ta sẽ trải qua các giai đoạn của chu kỳ giấc ngủ bao gồm: NREM 1 (trạng thái lơ lửng giữa thức và ngủ), NREM 2 (ngủ chập chờn), NREM 3-4 (ngủ có sóng não chậm - ngủ sâu) và REM (trạng thái đang ngủ nhưng hoạt động não giống hệt như lúc thức), giúp cơ thể phục hồi năng lượng, đồng thời tăng khả năng tư duy.
Bên cạnh đó, ngủ ngắn trong vòng 40 phút cũng được xem như giấc ngủ để phục hồi. Một nghiên cứu của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy, ngủ ngắn 40 phút có khả năng cải thiện 100% sự tỉnh táo của các phi công và phi hành gia.
Đối với những người có công việc quá bận rộn, hoặc thời gian nghỉ trưa ngắn, chợp mắt khoảng 20 phút là một lựa chọn thích hợp. Dù khi đó cơ thể chỉ đang ở trong trạng thái “gần ngủ”, chúng ta vẫn có một khoảng thời gian để nghỉ ngơi và thực sự cải thiện tinh thần trước khi bắt đầu giờ làm việc buổi chiều.
Trang The Guardian cũng đề cập, giấc ngủ trưa tốt nhất nên diễn ra trong khoảng từ 13 - 15 giờ, đặc biệt là không được quá 4 tiếng, vì nếu vượt quá khoảng thời gian này, giấc ngủ trưa có thể ảnh hưởng đến giờ ngủ chính vào ban đêm.
Ngoài ra, khi ngủ trưa, chúng ta nên giữ tư thế ngồi thoải mái, thư giãn hoặc nằm lên tấm lót, nệm... Tránh trùm kín trong chăn khiến cơ thể đi vào trạng thái ngủ sâu hơn và tạo cảm giác mệt mỏi khi thức dậy.
Đồng thời, đừng quá áp lực về việc không thể chợp mắt hay lo sợ ngủ quá giờ, hãy thả lỏng đầu óc và nghỉ ngơi. Nếu cần thiết, hãy đặt đồng hồ báo thức để tránh việc thức dậy trễ hơn dự định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.