Đội LH-WAO của Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) đã lên ngôi vô địch toàn quốc trong tháng 5 vừa qua trở thành đại diện Việt Nam tham gia Cuộc thi Sáng tạo robot châu Á - Thái Bình Dương 2019 (ABU Robocon) sẽ diễn ra tại thủ đô Ulaanbaatar (Mông Cổ) vào ngày 25.8.
Nhiều điểm mới so với các năm trước
Theo thông tin từ ban tổ chức, năm nay sẽ có 16 đội của 15 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia thi đấu (nước chủ nhà Mông Cổ có 2 đội). Cuộc thi Robocon năm nay có nhiều điểm mới và khó hơn so với các năm trước. Trước đây, robot di chuyển bằng bánh xe nên việc thiết kế và chế tạo dễ hơn. Năm nay robot phải di chuyển bằng bốn chân (đại diện hình ảnh ngựa) nên việc thiết kế chu kỳ bước phải nhấc lên, đặt xuống, điểm chạm rõ ràng, đảm bảo cân bằng. Các nhiệm vụ robot cần thực hiện cũng khó hơn như phải leo qua đụn cát và bước qua dây.
Ở cuộc thi toàn quốc vừa qua, đội LH-WAO chiến thắng với thành tích ổn định, cùng với thiết kế bám sát ý tưởng của đề thi “Vó ngựa Mông Cổ”, gây thán phục cho ban giám khảo và khán giả. Đó là robot 4 chân có cách di chuyển nhảy bật gợi lên hình ảnh chú ngựa phóng mình trên thảo nguyên.
Theo tiến sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, cũng như mọi năm, đối thủ chính của đội Việt Nam vẫn là các đội đến từ Trung Quốc và Nhật Bản. Các đội robot của 2 nước này luôn áp dụng công nghệ hiện đại nên xử lý nhiệm vụ rất nhanh. Hiện nay, tốc độ robot hoàn thành nhiệm vụ thắng tuyệt đối "Uukhai" của LH-WAO đang là 20 giây. Theo thông tin các đội công bố trên mạng, tốc độ như vậy là đứng thứ nhì sau đội robot Trung Quốc (18 giây). Đội robot của Việt Nam đang gấp rút tập luyện để hoàn thành với thời gian nhanh hơn cũng như có sự ổn định tốt hơn. So với các đội, hiện nay đội Việt Nam có lợi thế là robot tự động có khả năng di chuyển qua bục và dây mà không phải dừng lại nên vẫn có thể giảm thời gian hoàn thành chiến thắng Uukhai xuống nữa.
Mục tiêu hàng đầu là bảo vệ chức vô địch
“Toàn đội đang có trạng thái tâm lý tốt và có sự chuẩn bị chu đáo ở các khâu. Tỷ lệ vô địch năm nay so với các đối thủ chính là 50/50 và toàn đội vẫn đang cố gắng để có thời gian hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn nữa. Việc bảo vệ thành công chức vô địch là mục tiêu hàng đầu của đội ở lần tranh tài này” – tiến sĩ Quỳnh cho biết.
Năm 2019, Mông Cổ là nước chủ nhà đăng cai cuộc thi Robocon quốc tế nên đề thi được lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống, dựa trên sự tích về chiếc thẻ bài truyền tin của người chiến binh Mông Cổ và trò chơi dân gian ném Sagai của người dân du mục. Chủ đề của cuộc thi Robocon diễn ra tại Ulaanbaatar là "Great Urtuu" mang thông điệp "Chia sẻ kiến thức". Mỗi đội có 2 robot gồm một robot điều khiển bằng tay gọi là Robot đưa tin 1 và một robot điều khiển tự động gọi là Robot đưa tin 2. Khi Robot đưa tin 1 ghi được ít nhất 50 điểm, Robot đưa tin 2 mới được phép trèo lên đỉnh núi ở khu vực Uukhai, sau đó giơ cao tấm thẻ Gerege và ghi thêm được 30 điểm. Đội đầu tiên giơ được tấm thẻ sẽ giành chiến thắng, gọi là "Uukhai".
Ở đấu trường châu lục, các đội robot của Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) đã 3 lần vô địch cuộc thi Robocon châu Á - Thái Bình Dương (năm 2014 tại Ấn Độ, 2017 tại Nhật Bản, 2018 tại Việt Nam). Cũng cuộc thi này, robot của Trường ĐH Lạc Hồng cũng có 3 lần đoạt giải Nhì.
Bình luận (0)