(TNO) Tại buổi tọa đàm về thói quen đọc sách khoa học do Đông A Books tổ chức vào sáng 19.3 tại TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng hiện đang thiếu vắng sách khoa học.
Ông Đỗ Hoàng Sơn, Giám đốc Công ty Văn hóa giáo dục Long Minh, chuyên gia tâm huyết trong việc phổ biến và nâng cao chất lượng sách khoa học tại Việt Nam, cho biết khi đi khảo sát các nhà sách, ông thấy rất buồn vì tại khu vực sách người lớn, may mắn thì nhìn thấy một vài tựa sách khoa học và không được chỉ dẫn cụ thể. Rất ít hiệu sách đề biển sách khoa học. Sách khoa học tại các tiệm sách thường để ở hai vị trí: trên cùng hoặc ở tận dưới giá sách. Vì vậy muốn tìm sách khoa học, người mua đành phải chấp nhận… ngửa đầu vẹo cổ tìm kiếm.
Đồng tình với ý kiến trên, TS Giáp Văn Dương, người mở mô hình trường học trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam cho rằng, việc thiếu hụt sách khoa học là do tác động, hậu quả từ quá khứ, các đơn vị làm sách từ trước tới nay chỉ dịch sách Trung Quốc với các thể loại ngôn tình, chưởng, chứ chưa tập trung vào việc dịch sách có giá trị như sách khoa học.
Là dịch giả uy tín, từng tham gia dịch, biên tập, hiệu đính nhiều ấn phẩm khoa học như Từ điển Bách khoa Britannica, Bách khoa động vật, Các siêu sao trong giới động vật, Lịch sử tự nhiên…, ông Nguyễn Việt Long thừa nhận: “Thực trạng về sách khoa học ở Việt Nam cho lứa từ 10-15 và sách khoa học cho người lớn rất ít. Phần lớn độc giả Việt tra cứu trên Google nhưng nhiều lúc chưa đúng, thậm chí trên Wikipedia cũng không chính xác.
Bình luận (0)