Ngừa tai hại do nắng nóng

23/05/2015 06:43 GMT+7

Nắng nóng gay gắt ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tim mạch, hệ thần kinh... thậm chí gây ra đột quỵ do say nắng.

Nắng nóng gay gắt ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tim mạch, hệ thần kinh... thậm chí gây ra đột quỵ do say nắng.

Uống đủ nước sẽ góp phần ngừa tai biến do nắng nóng - Ảnh: ShutterstockUống đủ nước sẽ góp phần ngừa tai biến do nắng nóng - Ảnh: Shutterstock
Theo bác sĩ Yên Lâm Phúc, Học viện Quân y (Hà Nội), say nắng là rối loạn bệnh lý xảy ra khi đối tượng bị nắng chiếu trực tiếp vào đầu và gáy trong một thời gian đủ dài và nắng đủ lớn. Nếu làm việc trong mùa hè hoặc dạo chơi dưới nắng mùa hè quá lâu, thì nguy cơ xảy ra say nắng rất cao. Lâu là bao nhiêu thời gian thì chưa có nghiên cứu nào chỉ ra con số chính xác. Điều quan trọng là nhận ra kịp thời dấu hiệu say nắng để cấp cứu kịp thời.
Bạn có thể dễ dàng nhận ra bản thân hoặc người xung quanh bị say nắng nếu có một hoặc nhiều các dấu hiệu như sau: làm việc dưới nắng quá lâu, trời nắng quá to, không có phương tiện che chắn, mặt mũi đỏ gay, mồ hôi toát ra đầy người, hoa mắt, chóng mặt, khó thở, nhịp tim nhanh, nhịp thở nhanh, thường được mô tả là thở hổn hển, rối loạn vận động, mất điều hòa động tác, ngất hoặc có rối loạn ý thức, nhiệt độ cơ thể tăng - thường trên 380C.
Say nắng sẽ nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời. “Hệ lụy của say nắng chính là gây ra các tổn thương thần kinh trung ương mà cụ thể là não bộ. Não của người bị say nắng có thể bị tổn thương cục bộ hoặc vùng gây ra biến chứng vĩnh viễn như liệt, méo miệng, nói ngọng, mất khả năng học và nhớ”, bác sĩ Phúc đặc biệt lưu ý.
Ngoài não, say nắng cũng khiến gan bị tổn thương, các tế bào gan bị hủy hoại, hệ thống đông máu bị rối loạn. Nặng nhất là tình trạng đột quỵ, nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn tới tử vong. Nguy cơ tử vong do say nắng có thể gặp ở mọi lứa tuổi.
Theo lời khuyên của chuyên gia, phòng ngừa say nắng rất quan trọng. Điều cần làm là tránh khung giờ nắng nóng trong mùa hè. Không dạo chơi trên bờ biển, không làm việc dưới trời nắng mùa hè quá lâu, cố gắng tránh nắng vào giờ cao điểm (khoảng từ 11 giờ đến 15 giờ). Nếu buộc phải ra ngoài, cần giảm thấp nhất thời gian làm việc, đi lại dưới nắng; che chắn nắng cẩn thận và tận dụng tối đa các bóng mát của cây xanh.
Bác sĩ lưu ý, để phòng say nắng, khi làm việc dưới nắng cần có mũ rộng vành che mát đầu và gáy. Mặc quần áo bảo hộ lao động có khả năng thấm và thoát mồ hôi tốt. Bù đủ nước trong khi làm việc mặc dù không có tác dụng trực tiếp phòng say nắng nhưng lại có giá trị phòng biến chứng xảy ra.
Khi bị say nắng, cần khẩn cấp xử trí tại chỗ: đưa vào chỗ râm mát, cởi bớt quần áo, bật quạt để tạo thông thoáng; lau mát người, hô hấp nhân tạo và chuyển bệnh nhân đến bệnh viện để được cấp cứu hồi sức.
TS Đồng Văn Thành, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) lưu ý nhiệt độ tăng cao trong những ngày nắng nóng tác động đến tim mạch, huyết áp và thường gây giảm huyết áp. Khi huyết áp giảm, có thể khiến cơ thể mệt mỏi do giảm lượng máu được đưa đến não.
Ngoài ra, nắng nóng gây mất nước nhiều hơn do tăng tiết mồ hôi, dẫn đến mất điện giải. Tình trạng này nếu không được khắc phục sẽ dẫn đến rối loạn nhịp tim, có thể đột quỵ. “Uống đủ nước để tránh mất điện giải, bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng nguy hiểm ngày nắng nóng. Nên bù nước chủ động, không để khát mới uống”, TS Đồng Văn Thành nhấn mạnh. Đặc biệt ở người già, hệ thống cảnh báo “khát” của cơ thể đã giảm nhạy cảm, do đó cần lưu ý để có được phản xạ uống nước như: để sẵn bình nước ở vị trí dễ quan sát, thuận tiện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.