Ngực căng phồng và méo mó
Bệnh nhân (BN) nữ nói trên (quê Lạng Sơn) cho biết trước khi phẫu thuật thẩm mỹ vòng 1, ngực cô bị chảy và teo lép sau khi sinh 2 con. Dù mới cai sữa cho con được 6 tháng, đầu ngực vẫn còn chưa hết sữa nhưng cô vẫn quyết định làm phẫu thuật nâng ngực với mong muốn cải thiện vòng 1. Tuy nhiên, sau phẫu thuật đặt túi, mặc dù ngực có to lên nhưng lại cứng, không có độ mềm mại. Do ngại đi khám nên cô đã “chung sống” với bộ ngực đó suốt 4 năm qua.
“Khoảng 2 tuần trước thời điểm vào điều trị, bầu ngực bên trái bỗng nhiên sưng to rất nhanh, to lên gấp 2, gấp 3, rồi gấp 4 lần, cảm giác căng như quả bóng bay sắp nổ, nên tôi được chồng đưa đi Hà Nội khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức”, BN nói.
|
Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, BN đến bệnh viện trong tình trạng ngực trái sưng to với thể tích gấp 3 - 4 lần bên kia, chu vi ước đến trên 50 cm; ngực phải kích thước bình thường nhưng méo mó và cứng.
Sau khi tiến hành xét nghiệm, siêu âm, chụp cộng hưởng từ độ phân giải cao, BN được chuyển phẫu thuật với chẩn đoán tràn dịch muộn quanh bao túi ngực, có bao xơ co thắt.
Ths-BS Trần Thị Thanh Huyền, thành viên kíp mổ, cho biết trước phẫu thuật, các bác sĩ phải cắm kim đầu to và xy lanh loại lớn (50 cc) vào ngực để hút dịch nhằm giảm áp ngay cho khoang ngực. Lượng dịch được lấy ra khoảng 600 cc, cộng với 300 cc túi ngực và khoảng 200 cc ngực BN có từ trước, tổng thể tích ngực của BN trước khi phẫu thuật lên đến hơn 1.000 cc.
“Sau khi tháo bỏ túi ngực, các bác sĩ phẫu tích toàn bộ bao xơ xung quanh túi ngực. Ca phẫu thuật khó khăn do tổ chức bao xơ rất dày và có hiện tượng tăng sinh mạch phản ứng, có những lúc máu phun qua vết mổ thành tia”, BS Huyền cho biết.
Do bao xơ đã xâm lấn vào sát cơ thành ngực và đập theo nhịp đập của tim ở phía dưới khiến các bác sĩ phải phẫu tích hết sức tỉ mỉ đồng thời cầm máu kỹ. Các vị trí nghi ngờ có tổ chức phát thành u đều được đánh dấu và gửi giải phẫu bệnh sinh thiết ngay, rất may không có tế bào ác tính.
Sau gần 6 tiếng phẫu thuật, các bác sĩ đã tháo bỏ được túi ngực và rút ra hơn 600 cc dịch lẫn chất nhầy vàng đục cùng toàn bộ lớp bao xơ, kể cả những phần đã xâm lấn vào thành ngực và bảo tồn tối đa phần tuyến vú còn lại cho BN.
Một số loại túi ngực có thể gây hiện tượng kích thích cơ thể
PGS Hồng Hà đánh giá, tràn dịch muộn sau đặt túi ngực là một biến chứng tương đối hiếm gặp trong phẫu thuật đặt túi nâng ngực. “Vấn đề khiến bác sĩ lo ngại không phải là nguy cơ vỡ túi ngực, vì túi ngực thường rất bền chắc, hiếm khi có thể bị vỡ như đồn đại. Tuy nhiên hiện tượng tràn dịch số lượng lớn có thể là dấu hiệu của nguy cơ có tế bào lạ xung quanh lớp bao túi, hình thành khối u vú”, một chuyên gia chia sẻ.
Các bác sĩ cũng lưu ý, mặc dù rất hiếm gặp nhưng trên thế giới đã thống kê một số loại túi ngực, nhất là các túi vỏ nhám to, hoặc túi được bao phủ một lớp như bọt Polyurethane bên ngoài, có thể gây hiện tượng kích thích cơ thể. Loại vỏ nhám to nhằm giúp túi ngực bám chắc hơn vào cơ thể nhưng nếu chỉ định sai và phẫu thuật không đảm bảo thì có thể làm tăng tỷ lệ bao xơ, tụ dịch muộn.
Ví dụ, trường hợp đầu ngực vẫn còn một ít sữa hoặc một ít dịch trong mà phẫu thuật đặt túi đường quầng đầu vú, nếu bác sĩ không cẩn thận vô trùng trong mổ, vi khuẩn sẽ theo vào vết mổ và làm tổ ở các hang hốc trên vỏ túi, rồi kích thích cơ thể hình thành một lớp màng sinh học Biofilm. Nhiều giả thiết cho rằng từ lớp màng đó có thể hình thành bao xơ rồi lại tiếp tục kích thích cơ thể phản ứng sinh ra các tế bào lạ cũng như gây ra hiện tượng kích ứng và tràn dịch rất lớn.
Bình luận (0)