Ly hương bán vé số mưu sinh
Bà Phạm Thị Chúc (70 tuổi, ngụ xã Tân Huề, H.Thanh Bình, Đồng Tháp) hoàn cảnh hết sức khó khăn. Nhà ở vùng nông thôn, nhưng không mảnh đất chọi chim, làm thuê quanh năm túng thiếu kéo dài triền miên. Không thể ở quê chờ đói, bà cùng hai con khăn gói lên H.Bến Lức (Long An) thuê nhà trọ đi mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo.
“Ba mẹ con bán 500 tờ lời 500.000 đồng/ngày, chi phí cũng còn chừng 300.000 đồng, một tháng dành dụm cũng dư chút đỉnh. Nếu tính như vậy thì một năm cũng kha khá, thật ra tiền đó nó cũng chi xài hết đủ thứ chuyện”, bà Chúc than.
Thu nhập là vậy nhưng tuổi già đau bệnh triền miên, hai đứa con cảm sốt trái gió, trở trời điều trị tốn tiền.
Chị Nguyễn Thị Lan (41 tuổi, con bà Chúc) nói, đi bán nay hơn 15 năm, vậy mà giờ chưa sắm được chiếc xe đạp để chạy. Thấy mẹ ngày càng già, đi một đoạn đứng thở là muốn rớt nước mắt, nhưng nghỉ làm sao được.
|
“Bao nhiêu năm nay cố gắng dành dụng số vốn, nếu sau này má có mệnh hệ nào cũng có nơi lo hữu sự”, chị Lan rơm rớm nước mắt.
Theo bà Chúc, bán được tờ vé số lặn lội đi cả ngày chặng đường 20-30 cây số. Thấy khách ở đâu, ngồi chỗ nào cũng ghé vào mời mua, có người lắc đầu, có ông chẳng thèm trả lời, cũng có trường hợp chửi thề và đuổi đi.
“Có một lần tôi bị thanh niên đáng tuổi con tạt ly nước uống ướt quần áo và đuổi bằng lời lẽ khó nghe”, bà buồn nói.
Ba chị em ruột Lê Thị Hạnh (32 tuổi, ngụ H. Trà Ôn, Vĩnh Long) lên TP.Tân An (Long An) cách nay 17 năm cũng bắt đầu bằng nghề bán vé số dạo. Do có thu nhập kha khá nên dần dần cháu, bà con của họ cũng đi theo nghề. Do có bán lâu năm mối quen nhiều nên chỉ đi dạo quanh khu vực phường 2, phường 4 là bán được vài trăm vé.
'Phải kiếm việc, nếu không là mệt'
Sáng 30.3, một số quán ăn dọc quốc lộ 1 từ TP.Tân An lên H.Thủ Thừa, Bến Lức vắng lặng lạ thường vì dịch Covid-19 nên nhiều người không lui tới. Chủ quán, nhân viên thì có khách thì không.
Người bán vé số dạo xuất hiện nhiều nhất nhưng không tìm thấy khách để mời mua. Họ tuổi đã ngoài 70, sống bằng nghề bán vé số dạo, nếu nghỉ lấy tiền đâu mà xài.
Bà Dương Thị Lụa (76 tuổi, ngụ ấp 5, xã Nhị Thành, H.Thủ Thừa, Long An) than, chiều về tới nhà chân tay nhức mỏi, đêm ngủ đau xương khớp, sáng hôm sau dậy lại phải đi bán. Kiếm từng đồng bạc qua ngày mà vẫn bị giật vé số hết 2 lần thiệt hại hơn 1 triệu đồng. Giờ vé số dừng phát hành 15 ngày, bà Lụa không biết sống sao.
|
“Cả nhà em là đại gia đình vé số, tính ra 10 người bán ngày 3.000 tờ chứ đâu ít. Vậy mà nghỉ 15 ngày chẳng hề nghe đại lý hay công ty hỗ trợ đồng nào", chị Hạnh nói.
“Ngày mai nghỉ rồi, mà nghỉ 15 ngày lận, không thấy đại lý vé số hỗ trợ đồng nào cho suốt thời gian ngồi chơi. Nói vậy chứ phải tìm việc lau quét nhà cửa hay phụ công việc lặt vặt kiếm cơm nếu không là mệt”, bà Chúc buồn buồn nói.
Những cuộc đời đầy khó khăn, vất vả, họ cố gắng mưu sinh bằng cái nghề gọi là phao tạm bợ. Rồi bao lo toan tuổi già sắp cận kề, ai cũng biết và hiểu rõ hơn hết, chỉ nghỉ vài tuần xem như túi mấy bà "vé số" sẽ chẳng còn tiền.
Bình thường bán đã khó khăn, dịch bệnh phải mất chặng đường dài hơn, thời gian nhiều hơn mới hết xấp vé số. Tiền điện nước, cơm áo, thuốc men, đám tiệc đều gói gọn ở trong đó.
Tiếng rao đều đều giữa cái nắng nóng như đổ lửa, nơi hạn mặn đang diễn ra khốc liệt ở vùng đất miền Tây, sẽ vắng bóng trong vòng nửa tháng. Ai bực mình với người bán vé số sẽ cảm thấy thoải mái nhưng với người bán, đó là một nỗi buồn không kể siết.
Bình luận (0)