Ngược dòng ký ức với rừng

05/12/2020 18:00 GMT+7

Những cánh rừng quê tôi, vùng rừng trung du miền Tây xứ Nghệ nên hầu hết là rừng thưa đồi trọc.

Nghe bà nội và mẹ kể lại thì từ thời bà còn con gái, đêm đêm, voi hàng đàn ở Rú Dài (Núi Dài, tức là nơi khởi đầu của dãy Trường Sơn) kéo về ăn ngô, ăn lúa, hú vang cả làng không ngủ được.
Điều kỳ lạ của tập tính loài voi là chúng ăn một nhưng giẫm đạp, quần xéo mười. Thửa ruộng nào “Ông” đi qua “hỏi thăm” là coi như tan nát. Cả làng, cả xóm phải tập trung lại, gõ nồi đồng đinh tai nhức óc xua đuổi mà chúng chẳng thèm nghe. Sau phải thuê thợ săn bắn súng đì đùng hoặc cho nổ đất đèn (khí đá) ầm ầm như đại pháo dọa thì cả cha con, mẹ con nhà voi mới chạy rầm rập tuốt về bên kia núi.
“Cửa rừng” là một lối nhỏ độc đạo để vào rừng. Ai qua “cửa rừng” cũng phải cất nón xuống một cách thành kính. Từ xưa tới nay như thế, chắc ý của các bậc tiền nhân là phải chào “Thần Rừng” mới phải phép. Đi vào rừng không được nói bậy, chửi thề; không được “nhát ma” nhau vì làm như thế về nhà thế nào cũng bị bệnh cả tuần. Vì thế, lũ trẻ chúng tôi không bao giờ biết tiếng chửi thề.
Nhớ lần ấy, quãng xế chiều tôi vào bìa rừng chặt cây chuối về xắt nấu cho lợn. Vừa dợm bước tới lối mòn vào bãi chuối, bỗng một nhánh cây xanh nhỏ rơi ngay trước mặt. Thấy lạ, tôi dừng lại và ngước lên nhìn. Trời, một con khỉ đang ngồi canh chừng cho cả đàn ăn nhãn rừng chín trên vách đá. Nhãn rừng khi chín cũng ngộ: trái chín tự nứt ra, tứa đấy mật nên thơm lừng và ong, bướm kéo đến mừng “ngày hội ăn uống” của chúng.
Có lần cũng vào chiều, khi chúng tôi đi ngang bờ bỗng thấy một đàn gà lam, với những bộ lông màu sặc sỡ chạy ùa xuống uống nước, tìm mồi.
Thoáng thấy bóng người, cả bầy bay vút lên cao rồi khuất hẳn sau vòm cây xanh. Càng về chiều, gà rừng càng gáy rộ lên nghe rộn rã. Hình như đó là tiếng gọi bầy, gọi nhau trở về tổ của chúng trên những cành cây cao…
Đường vào sâu trong rừng là một con suối nhỏ, sâu chưa tới đầu gối. Những buổi trời se lạnh, đi rừng theo suối thế nào cũng bắt được cả chục con khé (cua đá) lội lăng xăng. Đôi càng đỏ sẫm, thân mình xanh đen, mập mạp. Canh cua đá là món ngon của suối, của rừng cho con người sau một ngày đi rừng lấy củi mệt nhọc…
Lại có cả một rừng ổi! Vì vậy có tên “Xóm Già Ổi” (Già là vạt rừng, ổi là cây ổi). Quãng vào thu, sau những cơn mưa, ổi chín thơm lừng cả khu rừng! Thôi thì có đến cả hàng ngàn con chim chào mào, sáo đá, tu hú, chèo bẻo… từ khắp nơi kéo về. Chúng giành nhau từng chùm ổi chín, từ ổi đào cho đến ổi găng, ổi trâu…
Rừng không những là túi nước khổng lồ mà còn là lá phổi xanh của quê tôi! Đi trong rừng là đi trong không khí trong lành, mát mẻ; trong hương thơm của muôn loài hoa, muôn loài cây luôn ẩn giấu sự giàu có về bao điều huyền diệu của hương rừng.
Chúng tôi sống thân thiết với rừng và rừng là nguồn sống của người dân quê một nắng hai sương. Nào chặt củi, lấy nứa, lấy măng, hái nấm; nào lấy gỗ làm nhà; nào lấy dây mây kéo cả buổi không hết; nào những vị thuốc mà bây giờ mới thấy quý: kê huyết đằng trị đau, nhức lưng; củ thiên niên kiện ngâm rượu mạnh gân cốt, cường tráng; tuổi thọ cao… Rừng ăn ở thủy chung, chân thật với con người. Mùa nào thức nấy, rừng bao dung không để con người đói khát bao giờ!
Giờ rừng đầu nguồn bị tận diệt nên lũ về nhanh hơn, tàn phá ghê gớm hơn! Vì đâu còn cây rừng ngăn nước, giữ nước và điều hòa nước! Con suối trong vắt ngày xưa ấy, chúng tôi thường tìm chỗ nước trong để uống khi nghỉ ngơi. Nay không còn nữa vì người ta ngăn dòng nuôi cá, lập trang trại chăn nuôi; hủy diệt cả một cánh rừng rộng lớn…
Nhưng với tôi, hình ảnh cánh rừng ngày xưa vẫn còn in sâu trong nỗi nhớ. Rừng ơi, rừng đi đâu để cho bóng chiều không còn bồi hồi, để không còn bảng lảng một màu sương tím trong tiếng chim rừng gọi bầy trong nắng ban mai?
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.