Ngược núi sưởi ấm cho trẻ Công Sơn

19/12/2014 09:29 GMT+7

Những ngày cuối năm, cơn rét buốt bao trùm lên những đỉnh núi biên cương xứ Lạng, cũng là lúc Hội đồng hương sinh viên Lạng Sơn tại Hà Nội cùng nhau góp quần áo, sách vở và vận động người hảo tâm chung tay giúp các em nhỏ ở Trường Dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học cơ sở (TH - THCS) xã Công Sơn, H.Cao Lộc, Lạng Sơn.

Những ngày cuối năm, cơn rét buốt bao trùm lên những đỉnh núi biên cương xứ Lạng, cũng là lúc Hội đồng hương sinh viên Lạng Sơn tại Hà Nội cùng nhau góp quần áo, sách vở và vận động người hảo tâm chung tay giúp các em nhỏ ở Trường Dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học cơ sở (TH - THCS) xã Công Sơn, H.Cao Lộc, Lạng Sơn.

 
Trẻ Công Sơn tìm hơi ấm ở những bãi than tàn
Trẻ Công Sơn tìm hơi ấm ở những bãi than tàn - Ảnh Phương Linh
Để đến được chân núi Công Sơn, phải trải qua 200 km đi xe từ Hà Nội, sau đó cuốc bộ gần 7 cây số đường rừng mới đến nơi các em học sinh người Dao đang sinh sống, bám trường học chữ. Khi thầy Hiệu trưởng ra sân đón đoàn tình nguyện và mời các em học sinh xuống sân trường nhận quà, các em tay cầm ghế nhựa, đi dép tổ ong cũ kỹ, phong phanh áo mỏng, dù trời rét buốt.
Lê Đăng Tú, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, Trưởng ban tổ chức chương trình tình nguyện chia sẻ: Công Sơn là xã có khí hậu khắc nghiệt, nhất là mùa đông lạnh giá, có hôm xuống đến âm 2 độ C, cộng với độ ẩm thấp vì không khí trên cao loãng. Nhìn các em học sinh mặc không đủ ấm, chân tay nứt nẻ, hai bên má khô ráp vì lạnh, rất xót xa.
Bí thư Đảng uỷ xã Công Sơn Triệu Sáng Suẩn cho biết, Công Sơn là một xã vùng ba, đặc biệt khó khăn của H.Cao Lộc; nơi đây 100% là người dân tộc Dao, sống cheo leo trên các đỉnh núi trên biên giới Việt - Trung. Toàn xã có 260 hộ thì có tới 169 hộ nghèo, chiếm 65%; riêng thôn Thán Dìu 100% là hộ nghèo, thiếu ăn triền miên. Cũng chính vì nghèo, các em học sinh vùng cao này phải thích ứng với cái rét, đói bụng.
Thầy giáo Hoàng Mạnh Tuynh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, toàn trường có gần 300 học sinh với ba cấp học, từ mầm non đến THCS. Ngoài trường chính ở trung tâm xã, còn có 4 phân trường nằm rải rác ở vùng sâu, vùng xa. Với đặc thù miền núi, các em học sinh bán trú chịu nhiều thiệt thòi về điều kiện ăn ở, sinh hoạt và học tập. “Gia đình chỉ đảm bảo cho các em khẩu phần lương thực tối thiểu, còn thực phẩm hoàn toàn trông chờ vào nguồn thiên nhiên như con cá dưới khe, rau măng trên rừng. Đặc biệt, các em thường xuyên phải đối mặt với những nguy hiểm trong sinh hoạt khi môi trường sống là núi cao, suối sâu”, thầy Tuynh nói.
Cũng theo thầy Hiệu trưởng, thời gian gần đây, được cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các tổ chức xã hội quan tâm, giúp đỡ, các em đã phần nào bớt khó khăn, nhưng đời sống vật chất, tinh thần của các em học sinh Công Sơn vẫn chưa đảm bảo.
Em Triệu Mùi Nảy, học sinh lớp 2 hồn nhiên: “Chúng em ăn khoẻ, nhiều lúc thèm thức ăn. Tuần này, ngày nào em cũng mơ ước được ăn cơm có thịt”.
Khi tổ chức chương trình tình nguyện này, các sinh viên Hội đồng hương Lạng Sơn đã dùng mạng xã hội để quảng bá và kêu gọi ủng hộ của cộng đồng ở Hà Nội và Lạng Sơn. Kết quả, Ban tổ chức đã thu gom được 2.000 chiếc áo ấm; 600 quyển vở, bút viết; 250 sách truyện, 50 chiếc chăn và 20 suất học bổng (mỗi suất 200 ngàn đồng) để tặng học sinh và hộ gia đình nghèo ở Công Sơn.
Câu lạc bộ Nhiếp ảnh trẻ xứ Lạng (Lang son Poto) cũng đã cùng một số doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn ủng hộ thêm 10 chiếc chăn len, trên 200 quyển vở, 5 thùng bánh kẹo. Anh Đào Duy Hưng, Chủ nhiệm CLB này cho biết: “Đến tận nơi, chứng kiến học sinh nơi đây còn gặp nhiều gian khó, vất vả, thiếu thốn, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bạn bè, người thân chung tay, giúp sức để các em có cuộc sống khá hơn”.
Không riêng hội đồng hương Lạng Sơn, hiện có rất nhiều bạn trẻ, nhiều tổ chức trong xã hội đã và đang vận động quyên góp áo ấm, tiền, nhiều hiện vật có ý nghĩa khác để giúp các học sinh, người dân nghèo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa bớt lạnh hơn, thấy ấm lòng hơn trong tiết trời mùa đông giá rét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.