Ngược về quá khứ ở Jeonju

31/07/2017 21:40 GMT+7

Mùi gỗ thông từ ngôi nhà truyền thống hanok tỏa ra êm dịu báo cho chúng tôi biết mình đã đặt chân đến Jeonju - thủ phủ của tỉnh Jeollabuk nằm ở phía tây nam Hàn Quốc, nơi được mệnh danh là thành phố sống chậm.

8 giờ tối, trừ những khu phố đêm chủ yếu phục vụ khách du lịch, hầu hết đường phố đều thưa vắng người, cảnh vật thật yên bình. Những người dân nồng hậu nơi đây đón chúng tôi với bữa tối thịnh soạn, thực đơn được lên từ cách đây tới 1 tháng, tất nhiên, trong đó không thể thiếu thứ rượu gạo đặc sản makgeolli. Chẳng kiểu cách hay cầu kỳ, một người đàn ông mái đầu điểm bạc lại gần hát tặng chúng tôi khúc ca truyền thống Hàn Quốc. Jeonju mang đến cho chúng tôi cảm giác đầu tiên thật gần gũi giống như đang ở một vùng quê nơi quê nhà.
Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng Jeonju không phải là điểm đến ưu tiên được đưa ra trong lịch trình các tour du lịch cho khách quốc tế. Có lẽ, bởi nơi này không thích hợp với số đông ưa ồn ào, náo nhiệt. Nhưng với những người muốn tìm hiểu ẩm thực, văn hóa, lịch sử xứ kim chi, Jeonju lại là nơi khó có thể bỏ qua.

tin liên quan

Sống chậm ở cổ trấn 1.300 năm tuổi
Nếu không có buổi sớm mờ sương, bước lên chiếc cầu bắc ngang dòng Đà Giang ở Phượng Hoàng cổ trấn (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) và bắt gặp người đàn bà dân tộc ngồi ôm đàn gảy những khúc nhạc cổ, hẳn tôi sẽ không có ấn tượng sâu sắc đối với cổ trấn này đến vậy...
Lạc bước giữa làng hanok
Buổi sáng mùa hè ở Jeonju, ánh nắng trải vàng trên mái ngói của những ngôi nhà hanok, chúng tôi như lạc bước giữa ngôi làng có tới khoảng 700 ngôi nhà truyền thống kề sát bên nhau. Được biết, Jeonju là một trong những nơi lưu giữ nhà truyền thống hanok nhiều nhất tại Hàn Quốc hiện nay. Nhà hanok được dựng bằng gỗ thông, đất, đá, giấy hanji… trước kia là kiến trúc phổ biến ở đền chùa, làm nhà ở. Nay, nhà hanok được giữ kiến trúc bên ngoài, còn bên trong được thiết kế hiện đại hơn để làm cửa hàng, nhà triển lãm, nhà hàng, nhà nghỉ.
Đến làng hanok, không thể không ghé thăm nhà thờ Cơ đốc Jeondong, tòa nhà được xây bằng gạch đỏ hơn 100 năm tuổi. Đối diện với đó là đền Gyeonggijeon nơi lưu giữ bài vị của vua Tae-jo, vị vua lập nên triều đại Triều Tiên và vợ ông.
Ngược về quá khứ ở Jeonju 1
Ảnh: Ngọc An
Chúng tôi ghé vào cửa tiệm cho thuê trang phục truyền thống của Hàn Quốc, chọn cho mình mỗi người một bộ cánh. Với những bộ trang phục này, bạn có thể “biến” thành vua, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử, quan lại, cung nữ, cô dâu, chú rể... tùy thích.
Ngày khám phá Jeonju đầu tiên của chúng tôi khép lại với bữa tối cùng món cơm trộn bibimbap. Một người bạn Hàn Quốc bảo rằng, ở bất cứ đâu ở xứ sở kim chi đều tìm được món bibimbap, nhưng món ăn này ở Jeonju đặc biệt hơn cả (chẳng thế mà nơi đây được UNESCO bình chọn là thành phố ẩm thực sáng tạo của Hàn Quốc). Một bát cơm trộn phải có đủ 21 vị, chủ yếu là từ hải sản và rau.
Nơi phát tích giày cổ
Lịch sử ghi lại rằng, vào thế kỷ thứ 1, giấy được vận chuyển từ Trung Quốc sang bán đảo Triều Tiên. Cho đến thế kỷ thứ 7, người Hàn đã tự chế tạo ra giấy hanji và trở thành bậc thầy trong kỹ thuật làm giấy.
Jeonju không chỉ là thủ phủ của vương quốc Hubaekje - một vương quốc của thời Hậu Tam Quốc trên bán đảo Triều Tiên do Gyeon Hwon lập nên, mà còn là nơi phát tích giấy hanji. Tại Hàn Quốc, nhiều nơi vẫn còn giữ nghề làm giấy hanji, nhưng nhà nước chỉ áp dụng các chính sách hỗ trợ cho Jeonju. Làng làm giấy hanji tất nhiên nằm trong điểm đến của chúng tôi ở thành phố này.
Trong xưởng sản xuất của làng, những người thợ đang chăm chú làm việc, người xeo, người sấy giấy, người đang tạo nên những vật dụng trang trí xinh xắn từ giấy hanji... Ông Kim Han-sup dừng tay xeo giấy trò chuyện với chúng tôi: “Giấy hanji độc đáo ở chỗ được làm từ vỏ cây dâu tằm. Cây dâu trồng 1 - 2 năm sau đó được thu hoạch, phơi khô tiếp 1 - 2 năm mới mang ra làm giấy”.
Công đoạn làm giấy hanji truyền thống cũng kỳ công không kém: cây dâu được bóc vỏ bằng tay, ngâm trong nước, ép cho đến khi kiệt nước, sau đó còn lại những sợi trắng. Những sợi này được luộc trong ít nhất 3 giờ đồng hồ, sau đó được rửa, nghiền nát... Xưởng sản xuất cũng khá nhanh nhạy khi phục vụ du khách dịch vụ trải nghiệm làm giấy hanji. Du khách có thể tự xeo giấy với khung gỗ nhỏ, sấy giấy và nhận được tờ giấy hanji do chính tay tự làm. Có làm mới biết, người thợ làm giấy cần có đôi tay chắc khỏe và khéo léo như thế nào.
Chính nhờ đặc tính của cây dâu tằm và cách chế tạo giấy độc đáo mà giấy hanji truyền thống có độ dai và bền đặc biệt, thậm chí vẫn nguyên vẹn sau 1.000 năm. Trước kia, giấy hanji được dùng để làm nhà, áo giáp, quần áo, chăn gối… Loại giấy truyền thống ngày nay còn được dùng để tạo nên các vật dụng phù hợp với cuộc sống hiện đại như chao đèn, tất hút mồ hôi, vật dụng trang trí…
Bà Kim Og-young, chủ xưởng sản xuất mang ra một chiếc áo đặc biệt làm bằng giấy hanji cho chúng tôi xem. Đó là chiếc áo dùng để mặc cho người đã qua đời. “Người Hàn quan niệm khi chết là trở về với tự nhiên, nên những thứ họ mang trên người được làm từ thiên nhiên”, bà giải thích. Một chiếc áo như vậy có giá không hề rẻ, khoảng 30 triệu đồng.
Ông Kim Han-sup năm nay 72 tuổi là người thợ lớn tuổi nhất ở xưởng, theo nghề làm giấy hanji của gia đình từ cách đây đã hơn 45 năm. Ông kể, do vất vả nên nhiều con cháu của ông không còn theo nghề truyền thống của gia đình nữa. “Có yêu mới làm nghề này được dài lâu”, ông nói. Tôi chọn một tờ giấy hanji trong đó có những cánh hoa thật được sắp đặt giống như một bức tranh mang về VN như để giữ lấy món quà từ tình yêu của những người thợ nơi đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.