Dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. Những người làm nghề bán hàng rong cũng “hứng chịu” những hệ lụy khó lường khi miếng cơm manh áo bị đe dọa.
Trong dịch thứ hai này, dù Cần Thơ chưa thực hiện giãn cách xã hội nhưng do lượng khách du lịch giảm nhiều, người dân cũng hạn chế ra đường so với trước khiến việc mưu sinh của những gánh hàng rong trở nên bế tắc.
Theo ghi nhận PV Thanh Niên tại đường 30 tháng 4, một số phụ nữ luống tuổi đạp xe chở đầy trái cây đi bán. Trời đã quá trưa nhưng hàng trên xe vẫn còn nhiều.
|
|
Bà Nguyễn Thị Bé Hai (60 tuổi, ngụ Q.Cái Răng) rầu rĩ: “Nhà ở xa nên không lội bộ đi bán được, gom góp được chút đỉnh, tôi mua chiếc xe đạp cà tàng đem về “chế” lại phần bội để đựng trái cây đem bán, phía sau thì cố định thêm cái xề để đựng thêm đồ. Nhưng giờ đi bán cả ngày đồ vẫn còn nhiều, ế quá chú ơi”.
Bà Hai nói thêm, trước dịch việc buôn bán cũng ổn, ngày ngày chịu khó đạp đi bán bà cũng kiếm được trên dưới 100.000 đồng. Khi dịch bệnh bùng phát, hàng hóa ế ẩm khiến cuộc sống trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.
|
|
Còn bà Trần Thị Thanh Nhàn (55 tuổi, tạm trú tại Q.Ninh Kiều) thở dài: “Tháng này không biết đủ tiền trả tiền nhà không, buôn bán thời Covid-19 khó khăn trăm bề. Trái cây mà ế sau 1, 2 ngày phải đổ bỏ vì hư thối, không bán được là lỗ tới xương”.
Cùng cảnh ngộ, chị Trần Thị Bé Ba (35 tuổi) bán bắp dạo tại chợ Xuân Khánh (TP.Cần Thơ) than vãn: "Dạo này hàng ế lắm, ngày trước bán cũng đủ chạy cơm hàng ngày, nhưng giờ người ta sợ dịch bệnh nên nhiều người chuyển hướng đi siêu thị, đi cửa hàng tiện lợi nhiều nên buôn bán cũng ế ẩm hơn trước”.
|
|
|
Tại Bến Ninh Kiều, nhiều bà con "buôn thúng, bán bưng", ngồi rầu rĩ vì ế, rất lâu mới có người dừng lại mua hàng.
Ngồi bán gánh tàu hủ tại một góc đường ở Bến Ninh Kiều, bà Kim Huệ (45 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều) than: “Vướng khó khăn khi mất thu nhập trong đợt dịch thứ nhất. Những tưởng cuộc sống mưu sinh ổn định trở lại khi dịch tạm lắng và du lịch phục hồi trở lại. Ai ngờ thêm đợt dịch lần này".
Buôn bán ế ẩm, nhưng bà Huệ cũng ráng gượng bán cầm chừng để có tiền trang trải cuộc sống. “Lúc trước làm tàu hủ đầy 1 nồi to, giờ thì làm chưa tới nửa nồi, mà bán hoài không hết. Giờ ngày kiếm được vài chục ngàn đồng, không biết sống sao”, bà Huệ thở dài.
Nguồn thu nhập chính để trang trải cuộc sống của gia đình phụ thuộc phần lớn vào những gánh hàng buôn bán hằng ngày. Mùa dịch Covid-19, khách mua giảm hẳn, gánh nặng cơm áo càng đè nặng hơn lên vai những người bán hàng rong.
|
|
|
|
Bình luận (0)