Văn hóa trầu cau đã có từ rất lâu đời và được cha ông ta truyền lại, đây như một nét đẹp trong phong tục, đặc biệt là trong các lễ cưới hỏi, hay làm mâm cỗ thờ cúng gia tiên. Và đi dọc khắp các con phố ở TP.HCM, có thể thấy rằng "Phố cưới hỏi - trầu cau Chợ Lớn” nằm trên đường Lê Quang Sung (quận 6, TP.HCM) là nơi vẫn có các sạp hàng bán trầu cau.
Phố cưới hỏi - trầu cau: Tiểu thương hoài niệm năm tháng theo nghề khi còn trẻ
Bà Nguyễn Thị Hoa nay đã 70 tuổi, theo lời bà kể, từ lúc bà 14 tuổi đã theo nghề buôn bán trầu cau được cha ông truyền lại.
Nhớ về thời kỳ “hoàng kim”, bà Hoa cho hay người mua kẻ bán tấp nập. Họ quý trọng từng miếng trầu, khi mời khách thì được coi như một lời mời cởi mở, nồng hậu. Hay mâm trầu cau có têm trầu cánh phượng thể hiện sự khéo léo của người làm, cũng như tôn lên vẻ đẹp, thể hiện tình yêu của các cặp đôi trong các lễ cưới hỏi.
Khi được hỏi vì sao họ gắn bó suốt hàng chục năm qua, những người buôn bán tại đây đều đáp vì là nghề truyền thống và họ đặt tình yêu của mình vào trầu cau nên không nỡ rời xa.
Tuy nhiên, giờ đây, chỉ còn lại vài sạp hàng trầu cau chen lẫn giữa một vài sạp hàng khác. Người ở lại bán trầu cau ít nhiều tóc đã lởm chởm bạc màu.
Chia sẻ về tình hình kinh doanh hiện tại, bà Trần Thị Thủy chủ sạp hàng cho hay, nhiều người đã không còn mặn mà với nghề. Vì giờ đây, số lượng trầu cau bán ra giảm so với những năm trước, do tình hình kinh tế khó khăn chung, nên nhiều người chọn cách cắt giảm, tiết kiệm các chi phí có thể.
Bình luận (0)