Người bán trong chợ Thủ Đức: ‘Tim đập mạnh’ mỗi khi thấy nước mưa

23/05/2024 16:14 GMT+7

Những ngày qua, nhiều chủ sạp buôn bán tại chợ Thủ Đức (TP.Thủ Đức, TP.HCM) luôn trong tình trạng thấp thỏm, tim đập mạnh vì lo sợ nước ngập mỗi khi mưa đến.

Theo đó, những cơn mưa đầu mùa giữa tháng 5 vừa qua đã làm khu vực xung quanh chợ Thủ Đức bị nước ngập bủa vây. Đặc biệt 2 con đường xung quanh chợ là Lê Văn Ninh và Kha Vạn Cân cũng ngập lênh láng mỗi khi mưa xuống. Chưa kể, nước từ những miệng cống cứ tuông từ dưới lên mặt đường khiến tình trạng ngập trở nên nghiêm trọng.

Vì nước lên quá nhanh làm mặt đường trở nên ngập trong tích tắc, chợ Thủ Đức cũng trở thành "chợ nổi" trong biển nước. Những người buôn bán ở chợ này cũng không kịp đóng cửa, chống ngập, dọn hàng hóa đang bán của mình lên cao.

Nước ngập tại chợ Thủ Đức vào chiều tối 20.5 làm nhiều người buôn bán gặp nhiều khó khăn

Nước ngập tại chợ Thủ Đức vào chiều tối 20.5 làm nhiều người buôn bán gặp nhiều khó khăn

Phạm Hữu

Gần 1 tuần vừa qua, bà Nguyễn Thị Kim Yến, luôn trong tâm trạng lo lắng, chán nản là vì thế. Bà Yến như các tiểu thương khác ở chợ Thủ Đức cảm thấy bức xúc vì càng về sau tình trạng nước ngập lại càng nặng nề hơn.

Tiểu thương băn khoăn với dự án chống ngập 248 tỉ đường Võ Văn Ngân

Bà Yến kể đã bán ở chợ được hơn 30 năm, mỗi cơn mưa, từng lần ngập ở đây bà đều đã trải qua. "Nhiều năm trước mỗi khi mưa lớn, đường bị ngập, nhưng ở khu chợ nước chỉ tràn đến vỉa hè, vài phút là rút hết, không đáng kể. Nhưng năm nay thì khác, từ ngày công trình thoát nước được xây dựng và hoàn thành thì chỉ 2 cơn mưa lớn là chỗ tôi lãnh đủ 2 lần ngập. Mà lần ngập này vừa sâu lại vừa lâu, tràn vào hết mặt bằng sạp. Dù đã chuẩn bị mọi thứ, từ kê tủ, bàn ghế nhưng nước ngập cũng làm ảnh hưởng đến buôn bán rất nhiều", bà Yến nói và rất lo cho hàng hóa để trong sạp mỗi khi mưa lớn.

Vì bán hàng thời trang nên nếu nước ngập quá lâu thì bà không biết làm sao để bán hàng cho khách. Cho nên vào sáng 21.5, bà đã cho xây bức tường nhỏ, chắn ngang cửa, cao khoảng 30 cm, kèm tấm chắn để ngăn nước ngập. Việc này chỉ là giải pháp tình thế với bà khi có mặt ở sạp, còn nếu nước ngập lúc nửa đêm thì bà cho rằng: "Cũng đành bó tay".

Cửa hàng thời trang của bà Yến xây thêm

Cửa hàng thời trang của bà Yến xây thêm "bờ kè" để ngăn nước ngập tràn vào sạp

Phạm Hữu

Đi gần hơn vào "tâm" ngập đường Lê Văn Ninh, là sạp bán đồ điện gia dụng, chủ sạp Hoàng Thị Ngọc Quý cũng bày tỏ nỗi lo và bức xúc vì tình trạng ngập trong 1 tuần qua. Bà Quý cho hay: "Tôi buôn bán hàng chục năm ở đây chưa bao giờ chứng kiến cảnh ngập như bây giờ. Dù mưa lớn, nhỏ như thế nào cũng không có ngập như mấy hôm nay. Giờ không gọi là mùa mưa nữa mà có thể gọi là lũ về vì hết mưa rồi mà nước vẫn chưa rút, phải đợi hơn nửa tiếng trở lên mới hết nước".

2 lần ngập lớn trong tuần là đủ 2 lần bà Quý ngâm mình trong nước để cứu hàng hóa, tuy nhiên nhiều lúc bà bất lực để hàng bị ngâm nước mà không có giải pháp nào cả. Bởi hàng hóa của bà bị chất đống, không thể dọn ra hay sửa chữa lại trong tình hình mưa liên tục này. Hàng hóa nào còn bán được thì bà dọn lại, mang ra phơi nắng, cái nào bị ngấm nước bà cứ để và chịu trận. Vì nếu dọn dẹp lại sạp thì khi mưa xuống, nước lại ngập, hàng hóa cũng lại ướt thêm lần nữa. Nếu tình hình ngập cứ diễn ra bà âu sầu nói rằng tiểu thương ở chợ sẽ thiệt hại ngày càng nhiều vì hư hỏng đồ đạc, không thể buôn bán được gì.

Một số chủ sạp mang hàng hóa phơi nắng vì bị nước ngập

Một số chủ sạp mang hàng hóa phơi nắng vì bị nước ngập

Phạm Hữu

Bà Oanh cho biết hàng hóa để ở sạp bị ướt và hư hỏng

Bà Oanh cho biết hàng hóa để ở sạp bị ướt và hư hỏng

Phạm Hữu

"Đến bây giờ, tôi thấy mưa là sợ, tim đập mạnh, lồng ngực đánh thình thình, tay chân run rẩy vì rất sợ ngập. Còn người thì trở nên quýnh quáng khi dọn đồ đạc, khổ lắm", bà Quỳnh nói về nỗi lo với những cơn mưa.

Sau trận ngập tối 20.5, đến sáng hôm sau khi mở cửa, Bà Trần Thị Hoàng Oanh, chủ sạp bán phụ tùng xe máy cũng bất lực nhìn hàng hóa của mình bị ướt sũng vì nước ngập. Các loại bình ắc qui, vỏ xe máy, bố thắng… và nhiều thứ khác chất trong sạp của bà đều ướt mềm. Bà phải mang ra bên ngoài, phơi nắng với mong muốn vớt vát chút đỉnh để bán rẻ lại cho bạn hàng. Trong khi đó, con trai bà tranh thủ dùng dầu nhớt quét lại các loại bạc đạn để tránh rỉ sét vì nước mưa.

Bà Oanh cho biết dù trước đó đã xây kè cao, đóng cửa, nghỉ bán nhưng nước vẫn cứ tràn vào bên trong khi mưa lớn. Nhìn xung quanh, hàng chục bình ắc quy bị nước ngấm có nguy cơ phải bỏ vì hư hỏng. Mỗi bình trị giá từ 200.000 – 400.000 đồng, chưa kể những món hàng khác. Đồng thời, mỗi ngày ngập ở đây với bà là mỗi ngày bị thiệt hại.

"Giờ tôi không biết phải làm sao, cứ mưa ngập lần đầu hôm 15.5, thì mang đồ ra phơi chưa kịp khô thì ngày 20.5 lại tiếp tục. Tôi nghĩ mình đang ở trung tâm của TP.Thủ Đức chứ không phải ở vùng quê mà chịu cảnh nước ngập như ngập lụt như vậy", bà Oanh chia sẻ.

Nước ngập vào tối 20.5 ở chợ Thủ Đức khiến nhiều người buôn bán ái ngại, thậm chí lo sợ mỗi khi thấy mưa

Nước ngập vào tối 20.5 ở chợ Thủ Đức khiến nhiều người buôn bán ái ngại, thậm chí lo sợ mỗi khi thấy mưa

Phạm Hữu

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.