Chị Huỳnh Trinh, cô chủ trẻ cơ sở vé số Thành Đạt trên đường Cách Mạng Tháng Tám Q.3, kể với vẻ thán phục: Anh Ti (tên thường gọi của anh Hoàng) là người bán vé số rất hiếu thảo với mẹ. Mỗi ngày, anh lấy ở cơ sở này khoảng 150 tờ vé số, đón xe buýt đến huyện Hóc Môn bán. Buổi trưa, anh mua thức ăn về cho mẹ và chiều tối đi bán tiếp. Dù tiền bạc chật vật nhưng anh Ti không tiếc với mẹ cái gì. Lần gần đây nhất, vợ chồng chị Trinh chứng kiến anh Ti dẫn mẹ đi mua chiếc lắc đeo tay bằng bạc rồi kiên trì trả góp suốt mấy tháng trời.
Nhịn ăn, mua đồ ăn ngon cho mẹ
Do hoàn cảnh khó khăn, không có vốn nên anh Ti được ưu tiên cho lấy vé số trước, trả tiền sau. Theo chị Trinh, anh Ti có lòng tự trọng cao, nợ nần thường trả sòng phẳng.
Tò mò, chúng tôi tìm đến căn nhà người bán vé số khuyết tật nói trên đang sống trong hẻm 648 đường Cách Mạng Tháng Tám, P.11, Q.3. Bà Nguyễn Thị Ngữ, 84 tuổi, mẹ của anh Ti bưng ra mấy con tôm to, giọng nghèn nghẹn: “Thằng Ti mua về cho tui ăn nè. Tui ăn hai con, định chừa cho nó hai con. Vậy mà nó “ép” tui ăn, không thì nó giận, nó quạu. Thỉnh thoảng nó còn mua cua nữa, mua toàn đồ ngon không à. Nó nói con mua gì về má ráng ăn hết cho có sức khỏe”.
Bà Ngữ cho biết có những hôm anh Ti đi bán phờ phạc trở về, bà gặng hỏi: “Con ăn cơm chưa?”. Lần nào anh Ti cũng đáp: “Má đừng lo con, con ăn ngoài đường rồi”. Tuy nhiên, linh cảm người mẹ mách bảo bà rằng Ti nhịn đói để dành tiền lo cho mẹ…
Khi được hỏi: “Có bữa nào anh nhịn ăn nhưng nói với mẹ là ăn rồi không?”, anh Ti cười hì hì: “Có chứ, tại những lúc đó em bị hụt tiền. Em ôm bụng đói về nhà nhưng giả bộ nói má là ăn rồi, để bả yên tâm. Không ít lần em uống nước trừ cơm, có sao đâu”.
Chỉ vào bộ áo quần đang mặc, bà Ngữ khoe: “Bộ này Ti tự ra chợ mua cho tui, mặc rất vừa. Mỗi năm nó thường mua cho tui ba bộ, trong khi nó mang áo quần cũ của người ta cho”. Bà giơ hai cánh tay, nói thêm: “Cái lắc bạc và chiếc vòng cẩm thạch này, thằng Ti cũng dẫn tui đi lựa. Tui thấy con mình kiếm đồng tiền khổ cực, nên từ chối. Vậy mà nó đâu có chịu”
“Cha mẹ là trên hết!”
Bà Ngữ cho hay gia đình bà có bảy người con, hầu hết ở xa. Hiện bà sống với anh Ti (con út). Lên ba tuổi, Ti bị lao màng não, liệt nửa người, động kinh… Sau thời gian điều trị, đến năm 6 tuổi, Ti bắt đầu tập đi. Di chứng bệnh khiến tay phải anh bị liệt, chân phải teo nên di chuyển và nói năng có phần hạn chế.
Lúc nhỏ, Ti đánh giày, bán báo. Về sau, anh phụ quán cơm trước khi chuyển hẳn sang bán vé số dạo.
“Trước nay, Ti luôn thương yêu cha mẹ. Không gì sánh bằng khi có con hiếu thảo”, bà Ngữ xúc động bày tỏ.
Bà Ngữ nhớ hoài lần bà mổ sỏi thận cách đây hai năm. Khi đó, bà nằm trong phòng hồi sức, anh Ti liên tục hỏi thăm điều dưỡng: “Má con có sao không cô? Má con có gì chắc con chết ở đây luôn”. Đến lúc bà mẹ ra phòng hồi sức, anh Ti nỉ non: Cô ơi, cô đỡ má con nhè nhẹ. Má con mới mổ đau lắm… Bà Ngữ chia sẻ: “Nghe con nói vậy, mình thương nó đứt ruột và cũng thấy ấm lòng”.
Khi nghe ai khen hiếu thảo, anh Ti hồn nhiên “hỏi ngược” lại: Hồi đó cha mẹ nuôi anh/chị, giờ anh/chị làm ăn có tiền rồi có nuôi lại cha mẹ không? Cũng phải nuôi chứ, ai mà bỏ và bỏ sao được. Cha mẹ là trên hết!
Người bán vé số này tâm sự, ba của anh mất cách đây 10 năm, anh chưa có nhiều dịp báo hiếu. Bây giờ, anh muốn bù đắp cho mẹ và luôn sợ cái ngày “gió lay mẹ rụng, con phải mồ côi”. Trong khi đó, bà mẹ lại lo cho đứa con khuyết tật độc thân, sau này không có ai hủ hỉ sớm hôm.
Bình luận (0)