Người bệnh phàn nàn cách khám, hỏi bệnh của bác sĩ

03/09/2017 07:05 GMT+7

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP, việc khảo sát là nhằm chủ động thông tin về sự không hài lòng của người bệnh khi đến khám, chữa bệnh tại các BV...

Khảo sát trong tháng 6.2017 của Sở Y tế TP.HCM về sự không hài lòng của bệnh nhân (BN) đi khám, chữa bệnh tại 53 bệnh viện (BV) công lập tại TP, cho thấy có 1.177 lượt bấm vào máy khảo sát ở nội dung không hài lòng với cách hỏi bệnh của bác sĩ (BS), xếp thứ 4 trong 13 nội dung khảo sát.
Còn khảo sát trong tháng 7 thì lượt bấm tăng lên 1.213, vọt lên một bậc, xếp thứ 3 trong 13 nội dung khảo sát.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP, việc khảo sát là nhằm chủ động thông tin về sự không hài lòng của người bệnh khi đến khám, chữa bệnh tại các BV, để nâng cao trách nhiệm của BV - phải chủ động giám sát tìm nguyên nhân để có giải pháp cải tiến.
“Cách giao tiếp ứng xử, hỏi bệnh còn lệ thuộc vào cá nhân mỗi BS do BV chưa tập huấn kỹ năng giao tiếp. Bên cạnh đó là sự giám sát giao tiếp ứng xử của BS chưa được BV chủ động và ưu tiên thực hiện”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nói.
PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó hiệu trưởng kiêm Trưởng phòng khám BS gia đình (Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM), cho rằng trong quy trình đào tạo sinh viên y khoa rất chú trọng việc hỏi bệnh và giao tiếp với BN, theo hai chiều: Hỏi và lắng nghe. Đây là việc bắt buộc. Việc đào tạo này bắt đầu từ năm thứ 3.
Theo PGS-TS Hiệp, một cuộc khám bệnh bình quân từ 10 - 15 phút, trong đó hỏi bệnh từ 5 - 7 phút. Tùy vào tình huống, bệnh tật mà hỏi chứ không bắt buộc thời gian cố định. Việc hỏi bệnh giúp BS có định hướng chẩn đoán, suy luận lâm sàng phù hợp. “Việc hỏi bệnh còn mang tính chất tâm lý. Bởi vì khi mắc bệnh, BN cần hỏi và BS giải đáp sẽ tạo thêm tin tưởng, giải tỏa lo lắng cho BN”, PGS-TS Hiệp nhận xét.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.