Cách đây một năm, bà T. phát hiện bệnh đái tháo đường và điều trị đều đặn tại bệnh viện gần nhà. Gần đây, bà tự ngưng thuốc bác sĩ kê toa, tìm đến các bài thuốc dân gian qua lời người quen giới thiệu.
Sau một tuần bỏ thuốc điều trị bệnh đái tháo đường, người bệnh mệt lả, bụng đau râm ran nên đến phòng phám gần nhà điều trị nhưng các triệu chứng không giảm. Người bệnh được đưa đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Ngày 17.8.2022, bác sĩ CKII Lê Hồng Hải, khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết kết quả xét nghiệm máu, định lượng ceton, urê, siêu âm ổ bụng ghi nhận chỉ số HbA1C (phản ánh tình trạng glucose) rất cao đến 13,7% (bình thường 4-6%).
Dựa trên kết quả xét nghiệm, bác sĩ Hải nhận định người bệnh không kiểm soát tốt đường huyết trong vòng 3 tháng nay và việc bỏ thuốc trong 7 ngày qua dẫn đến nhiều hệ lụy. Cụ thể, bà T. suy giảm chức năng thận, giảm natri máu và viêm ruột do không kiểm soát đường huyết. Ngoài ra, người bệnh còn nhiễm toan ceton - một biến chứng cấp tính nghiêm trọng của đái tháo đường.
Trường hợp của bà T. do bị tiểu đường tuýp 2 nên được dùng thuốc chống nôn, truyền insulin, bù dịch,… Sau điều trị, tình trạng thận suy cải thiện, natri máu bình thường trở lại, không còn viêm ruột. Người bệnh tiếp tục được bác sĩ khoa Cấp cứu phối hợp với bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường lên phác đồ điều trị lâu dài. Khi đường huyết đã cải thiện, bà T. được tiếp tục tiêm insulin dưới da, sau đó dùng thuốc uống, theo dõi sức khỏe tổng thể. Sau 7 ngày điều trị, người bệnh được xuất viện.
Bác sĩ thăm khám cho người bệnh trong quá trình điều trị |
bvcc |
Bác sĩ Hải cảnh báo, một trong những biến chứng nặng nề của đái tháo đường là nhiễm toan ceton, xảy ra khi cơ thể không đủ insulin để chuyển hóa glucose theo con đường yếm khí tạo ra ceton gây ceton máu. Tình trạng này thường gặp ở người bệnh đái tháo đường tuýp 1 do tuyến tụy không tạo ra bất kỳ insulin nào. Nếu tình trạng kéo dài sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Ở người bệnh tiểu đường tuýp 2, nhiễm toan ceton xảy ra khi không điều trị, điều trị không đúng theo chỉ định của bác sĩ, không điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp trong thời gian dài.
Các bác sĩ khuyến cáo để bệnh tiểu đường ổn định lâu dài, bà T. cần tái khám đúng lịch hẹn, uống thuốc đều đặn và điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ. Ví dụ, người bệnh giảm tiêu thụ các thực phẩm chứa tinh bột (cơm, xôi, bánh mì đặc ruột…), tăng cường tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày để kiểm soát tốt chỉ số đường huyết.
Bình luận (0)