Người bệnh ung thư giai đoạn cuối nghĩ gì, làm sao để giúp đỡ họ?

10/12/2020 00:07 GMT+7

Hãy đọc bài này để hiểu thêm và yêu thương những người mắc ung thư giai đoạn cuối, và cả người mắc bệnh nan y .

Mắc ung thư giai đoạn cuối là tình thế vô cùng khó khăn. Người bệnh có thể chìm đắm trong những cảm xúc như sốc, sợ hãi và tức giận. Những phản ứng này là rất bình thường, theo NHS.UK.
Bước đầu tiên để người bệnh đối phó với những gì đang xảy ra là hãy để chính mình cảm nhận những cảm giác thực xảy đến.
Để giúp người bệnh và người thân của họ hiểu và đối phó với cảm xúc của người bệnh, sau đây là một số cảm xúc thường gặp ở những người mắc căn bệnh nan y này.
Nhưng không phải tất cả mọi người đều trải qua những cảm giác như nhau.

Tham gia các hội nhóm của những người cùng mắc bệnh như mình sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ về tình cảm và tâm lý

Ảnh: Shutterstock

1. Sốc

Sốc khi biết rằng mình đang bị bệnh “hết thuốc chữa” hoặc “ung thư giai đoạn cuối” là cảm giác rất bình thường của người mắc căn bệnh quái ác này.
Người bệnh cũng có thể gặp những suy nghĩ như “điều này không thể xảy ra”, “tại sao điều này xảy ra với mình” hoặc “mình còn nhiều việc phải làm lắm mà”, theo NHS.UK.
Trò chuyện với người khác về những cảm giác này có thể giúp người bệnh hiểu được cảm giác của mình.
Nếu người bệnh tin vào tôn giáo, có lẽ đức tin sẽ giúp đỡ nhiều. Hãy cầu nguyện để được thanh thản.

2. Giận dữ

Giận dữ là điều bình thường, họ không bao giờ lường trước rằng mình sẽ mắc bệnh như vậy, và cũng có thể cảm thấy không công bằng khi điều này đã xảy ra với họ.
Sẽ tốt hơn nếu biết chuyển cơn giận dữ sang hướng giải quyết vấn đề trong tầm kiểm soát, làm những điều có ý nghĩa và tận dụng tối đa những ngày còn lại.

3. Sợ hãi

Cách hiệu quả để giúp người bệnh kiểm soát cảm xúc tốt hơn và giúp người khác hỗ trợ họ khi cần chính là cố gắng xác định điều gì của cái chết khiến người bệnh sợ hãi, như sợ gia đình sẽ ra sao khi không còn mình. Chia sẻ điều này với gia đình và những người thân yêu có thể giúp họ thoải mái và yên tâm hơn.
Nói về nỗi sợ hãi với các bác sĩ điều trị và gia đình hoặc bạn bè sẽ giúp người bệnh tìm cách đối phó và cảm thấy bớt bất ổn.
Dù thực sự rất khó để nói chuyện với gia đình, nhưng ai cũng có những suy nghĩ và nỗi sợ hãi riêng và càng thảo luận cởi mở về những điều này, càng có thể hỗ trợ nhau và giúp ích cho người bệnh.

4. Cô đơn

Mặc dù có nhiều người xung quanh, người bệnh vẫn cảm thấy rất cô đơn. Vì vậy, người bệnh cần chia sẻ cảm giác của mình với những người xung quanh, theo NHS.UK.
Nếu họ cảm thấy không thoải mái khi nói chuyện với gia đình hoặc bạn bè, có thể nói chuyện với y, bác sĩ xung quanh.
Các y, bác sĩ sẽ có cách tiếp cận không phán xét khi lắng nghe cảm xúc của người bệnh và có thể đưa ra các cách giải quyết vấn đề tốt hơn.

5. Cảm giác có tội

Người bệnh có thể cảm thấy có tội vì chưa đáp ứng được kỳ vọng của mình hoặc của người thân, như những nhiệm vụ chưa hoàn thành hoặc những kế hoạch còn dang dở.
Họ cứ mãi dằn vặt “lẽ ra phải thế này” hoặc “không nên thế kia” mà không thể tập trung vào hiện tại và đón nhận phần cuộc sống còn lại.
Đôi khi sẽ tốt hơn nếu biết chấp nhận những gì nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Hãy buông bỏ những gì không thể thay đổi và bắt đầu thay đổi mình.
Hãy nghĩ đến việc tha thứ cho người khác và cho chính mình, dành thời gian cho những người thân yêu, theo NHS.UK.

6. Kiểm soát lại tình thế

Để chủ động trong phần đời còn lại, hãy lập kế hoạch cho các hoạt động.
Lập kế hoạch và đặt mục tiêu, dù lớn hay nhỏ, có thể giúp kiểm soát những suy nghĩ tiêu cực và ngăn cuộc sống chỉ xoay quanh cái “chết”.

Một số cách để kiểm soát cảm xúc

Ngoài ra, còn có các cách có thể giúp kiểm soát cảm xúc như, theo NHS.UK.
Thiền có thể hữu ích để tập trung năng lượng.
Viết nhật ký có thể có hiệu quả để giảm bớt cảm giác tiêu cực.
Tham gia các hội nhóm của những người cùng mắc bệnh như mình sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ về tình cảm và tâm lý.

Lưu lại cho hậu thế

Người bệnh có thể chuẩn bị cho cái chết của mình bằng cách suy nghĩ đến việc lưu lại gì cho hậu thế, bao gồm:
- Viết thư cho những người quan trọng với mình
- Tạo video hoặc ghi âm để trao cho các thành viên trong gia đình về sau này
- Viết lại lịch sử gia đình cho các thế hệ sau
- Tạo sổ lưu niệm
- Hộp lưu niệm gồm: thư, vật phẩm tình cảm, đồ trang sức, ảnh hoặc quà tặng
- Viết tự truyện
- Lập di chúc
Tuy nhiên, không nhất thiết phải làm tất cả mọi điều kể trên. Điều quan trọng là trân trọng những khoảnh khắc với những người thân yêu, theo NHS.UK.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.