* Trình Quốc hội dự án luật Phòng thủ dân sự
Liên quan tới quy định về hành vi bạo lực gia đình, đại biểu (ĐB) Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cho rằng cần quy định cụ thể các hành vi bạo lực gia đình để tạo thuận lợi cho việc nhận diện các hành vi bạo lực gia đình. Cũng theo ông Thắng, dù bao quát đến đâu cũng không thể nắm bắt hết các hành vi bạo lực gia đình diễn ra trong thực tiễn. Do đó, ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo luật các hành vi khác chưa được quy định trong luật nhưng có biểu hiện rõ ràng và có đầy đủ dấu hiệu hành vi bạo lực gia đình thì được coi là hành vi bạo lực gia đình để đảm bảo tính bao quát, dễ áp dụng trong thực hiện.
Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) phát biểu tại phiên họp |
Gia Hân |
Về quy định ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình, theo ĐB Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa), luật cần lấy “phòng ngừa, chống bạo lực gia đình” là trung tâm, chứ không phải lấy “người bị bạo lực gia đình” là trung tâm. Do đó, cần phải có những biện pháp can thiệp để tránh bị bạo lực. Ông Hoàn đề nghị không hòa giải hành vi bạo lực gia đình. Vì hành vi bạo lực gia đình là hành vi đã và đang diễn ra. Nếu kịp thời ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình là việc nên làm. Do đó, không hòa giải mà phải có hành động tích cực phù hợp với họ để họ không thực hiện hành vi bạo lực gia đình, và không tái diễn.
ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng trong các vụ việc bạo lực gia đình thì nạn nhân là phụ nữ chiếm 80%. Trong đó, 87% lại im lặng. Theo ĐB, việc ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình chỉ phát huy hiệu quả khi thông tin về hành vi bạo lực gia đình được phản ánh kịp thời đến cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền. Nếu nạn nhân im lặng thì thường khó giải quyết. “Cần quy định trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình và thành viên gia đình phải báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có hành vi bạo lực gia đình. Việc bổ sung trách nhiệm sẽ làm cơ sở cho quá trình đi vào tâm thức hằng ngày, dần hình thành ý thức tự giác để phòng ngừa, xóa tư tưởng tàn dư “trọng nam khinh nữ” trong xã hội”, ông Tám nói.
* Cũng trong chiều 26.10, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang đã trình Quốc hội dự án luật Phòng thủ dân sự. Theo Bộ trưởng Phan Văn Giang, mục đích xây dựng luật nhằm tạo khung pháp lý chung nhất cho việc phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh nhằm bảo vệ cao nhất tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân, nâng cao hiệu quả pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự. Đồng thời tăng cường các biện pháp phòng ngừa và bảo đảm tính chủ động trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ người dân, cơ quan, tổ chức, bảo vệ môi trường.
Bình luận (0)